Là một trong các đơn vị muốn đầu tư làm T3, Tân Sơn Nhất, FLC cam kết hoàn thành trong 1 năm. Lãnh đạo tập đoàn còn nói xong trong 9 tháng.
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn FLC Hương Trần Kiều Dung gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét chấp thuận chủ trương cho doanh nghiệp này và Hãng hàng không Bamboo Airways nghiên cứu đầu tư xây dựng dự án Nhà ga hành khách T3, cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia
FLC cho biết nếu được chấp nhận sẽ cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu hình thức đầu tư phù hợp và thực hiện xây dựng Nhà ga T3 theo đúng quy hoạch được duyệt sau 1 năm thi công.
Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho biết thậm chí doanh nghiệp này có thể hoàn thành dự án trong thời gian 9 tháng.
Doanh nghiệp này nhấn mạnh từng có kinh nghiệm làm các dự án nhà ga hành khách như cải tạo nâng cấp Nhà ga hành khách sân bay Quy Nhơn (Bình Định) và tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa)…
|
Quy hoạch sân đỗ máy bay và nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Ảnh: Bộ GTVT.
FLC chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp tư nhân đang xin tham gia đầu tư vào nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Tháng 12/2018, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương - IPP đã có công văn gửi Bộ trưởng GTVT đề nghị được cùng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACVACV+2.1%) đầu tư nhà ga hành khách T3.
Trước đó, vào tháng 1/2017, Hãng hàng không Vietjet cũng đề nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư nhà ga có công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm tại lô đất tiếp giáp khu vực sân đỗ 21 ha.
Ngoài ra, Vietjet cũng xin đầu tư dự án tổ hợp kỹ thuật và dịch vụ hàng không Vietjet tại khu đất 30 ha với tổng mức đầu tư lên tới 3.048 tỷ đồng để xây dựng một nhà ga hàng hóa công suất 300.000 tấn/năm. Ngoài ra còn có khu sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay và chế biến suất ăn.
ACV đang được giao nghiên cứu tiền khả thi
Trong khi đó, Bộ GTVT đang đề nghị Thủ tướng “giục” Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV khẩn trương hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nhà ga hành khách T3 . Sau đó trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Theo quy định, AVC thuộc quyền quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi bàn giao từ Bộ GTVT. Do đó, Bộ GTVT không thể trực tiếp thúc giục ACV đẩy nhanh dự án.
Trong văn bản gửi Thủ tướng vào tháng 1 vừa qua, Bộ GTVT nhấn mạnh: “Trường hợp ACV không thực hiện đầu tư, Bộ GTVT kính đề nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT công bố danh mục kêu gọi đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Theo thống kê Cục Hàng không Việt Nam, năm 2018, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 38,414 triệu hành khách. Dự kiến con số này sẽ đạt 45 triệu khách vào năm 2025. Trong khi đó, tổng công suất của 2 nhà ga T1, T2 hiện hữu mới đạt khoảng 28 triệu khách/ năm. Do đó việc đầu tư thêm nhà ga T3 là rất cấp bách trước khi sân bay Long Thành được khánh thành.
Hiện tại đã khoảng một năm sau khi Thủ tướng phê duyệt quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của tư vấn ADPi (Pháp). Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình cấp bách vẫn triển khai rất chậm chạp.
DiaOcOnline.vn – Theo Zing
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: