Top

Xây dựng Thủ Dầu Một thành đô thị trung tâm vùng TP Hồ Chí Minh

Cập nhật 31/01/2018 16:36

Ngày 06/12/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định công nhận TP Thủ Dầu Một là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bình Dương.

Theo đó, Thủ Dầu Một là trung tâm của tỉnh Bình Dương với diện tích tự nhiên 11.890,6ha, dân số trên 500 nghìn người. Địa giới hành chính có phía Bắc giáp thị xã Bến Cát, phía Nam giáp thị xã Thuận An, phía Đông giáp thị xã Tân Uyên và phía Tây giáp huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Đô thị cấp vùng

TP Thủ Dầu Một được xác định là trung tâm hành chính, tổng hợp của tỉnh Bình Dương, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng TP Hồ Chí Minh. Do đó có vai trò đô thị cấp quốc gia, trung tâm tổng hợp cấp vùng, hỗ trợ tương tác qua lại với đô thị trung tâm chính trị, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của TP Hồ Chí Minh và là trọng điểm trong tam giác tăng trưởng TP Hồ Chí Minh – TP Thủ Dầu Một - TP Vũng Tàu với vai trò là động lực phát triển của phía Bắc.

Ông Nguyễn Lộc Hà – Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một cho biết: Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TU ngày 19/2/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về xây dựng và phát triển đô thị Thủ Dầu Một giai đoạn 2011 -2015, thành phố có những bước phát triển khá tốt và tương đối đồng bộ.

Tổng vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn (2011 - 2015) của các thành phần kinh tế là 24.945 tỷ đồng; trong đó vốn Nhà nước là 1.105 tỷ đồng, vốn ngoài Nhà nước 21.755 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.085 tỷ đồng.

Hạ tầng kỹ thuật của khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị cơ bản đã được tỉnh đầu tư hoàn chỉnh; các khu công nghiệp trong khu liên hợp đã được lấp đầy. Bên cạnh đó, công tác cải tạo, chỉnh trang đô thị được chú trọng. Đồ án quy hoạch chung đô thị Thủ Dầu Một (điều chỉnh), quy hoạch phân khu chức năng 1/2000 đã được phê duyệt.

Trên cơ sở đó, thành phố quản lý xây dựng, phát triển đô thị theo quy hoạch và quy chế quản lý kiến trúc đô thị. Công tác xây dựng và phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng được tập trung đầu tư theo quy hoạch. Các công trình được đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn TP Thủ Dầu Một.

Tại quy hoạch xây dựng vùng TP Hồ Chí Minh (điều chỉnh) vừa mới được công bố cũng xác định TP Thủ Dầu Một nằm trong Tiểu vùng đô thị trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Trong đó, TP Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân trung tâm vùng, TP Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc, TP Biên Hòa – Long Thành – Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông.

Do đó, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương (Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên) phát triển đô thị – công nghiệp – dịch vụ – tài chính gắn với các trung tâm đầu mối đa phương tiện, tạo động lực phát triển cho khu vực phía Bắc của tiểu vùng đô thị trung tâm.

Tăng cường phát triển các chức năng về y tế, giáo dục – đào tạo, thể dục thể thao, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ và trung chuyển hàng hóa. Duy trì và bảo tồn cảnh quan dọc các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và cảnh quan nông nghiệp đô thị.

Trong định hướng phát triển hệ thống đô thị của vùng TP Hồ Chí Minh cũng xác định Bình Dương là đô thị trung tâm cấp vùng về công nghiệp, thương mại – tài chính, đào tạo, y tế, văn hóa – thể dục thể thao, du lịch, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về phía Bắc của vùng.


Quốc lộ 13 – một trong những tuyến giao thông quan trọng kết nối Thủ Dầu Một với Bình Dương và vùng TP Hồ Chí Minh.

Đối với Bình Dương, Thủ Dầu Một là hạt nhân, trung tâm kinh tế chính trị văn hóa khoa học kỹ thuật của tỉnh, kết nối với các đô thị là trung tâm huyện lỵ các huyện trực thuộc tỉnh Bình Dương qua các tuyến đường liên tỉnh Đại lộ Bình Dương (QL13) Mỹ Phước Tân Vạn, ĐT741, ĐT742, ĐT743, ĐT744, ĐT745 tạo điều kiện thuận lợi cho đô thị không ngừng phát triển.

Động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

Theo ông Hà, việc Thủ tướng Chính phủ công nhận Thủ Dầu Một là đô thị loại I là phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương.

Đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Dầu Một, là cơ hội để thành phố tiếp tục phấn đấu hoàn thiện nâng cao chất lượng đô thị về mọi mặt; thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, là hạt nhân thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh nói chung, Thủ Dầu Một nói riêng.

“Được công nhận là đô thị loại I là một dấu mốc rất quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Thủ Dầu Một đã ra sức phấn đấu thực hiện, tuy nhiên đây không phải là mục tiêu cuối cùng.

Sau khi được công nhận là đô thị lọai I, trên cơ sở rà soát các tiêu chuẩn theo quy định về phân loại đô thị, ngoài việc tiếp tục phát huy nhóm tiêu chuẩn đã đạt điểm tối đa, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao các nhóm tiêu chuẩn chưa đạt mức tối đa, tập trung khắc phục các tiêu chuẩn chưa đạt điểm tối thiểu”, ông Hà cho biết thêm.

Để xứng đáng là đô thị hạt nhân của tỉnh và của vùng, lãnh đạo TP Thủ Dầu Một xác định tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động.

Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đảm bảo theo quy hoạch, từng bước phát triển Đô thị Xanh - Thông minh theo hướng xanh, sạch, đẹp; nâng cao chất lượng sống của người dân; phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, tìm ra các động lực mới để xây dựng đô thị Thủ Dầu Một ngang tầm với vị trí đô thị trung tâm của TP Bình Dương trong tương lai.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm tạo động lực, tạo sức lan tỏa để xây dựng và phát triển đô thị khu vực phía Tây và Tây Bắc của thành phố; chỉnh trang một số khu vực thuộc đô thị hiện hữu theo hướng ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt và vui chơi, giải trí cho người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng