Top

Xây đặc khu: Miễn thuế thuê đất 70- 90 năm, khác gì “cho không”?

Cập nhật 22/11/2017 16:22

Thảo luận về đặc khu kinh tế, ĐBQH lo ngại thất thu ngân sách và tạo sự bất bình đẳng khi áp dụng chính sách miễn thuế đất trong 70, 90 năm.

ĐB Phạm Văn Hoà - Đồng Tháp

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế”.

Đồng ý về chủ trương, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) góp ý về mục tiêu và cách làm, phát triển đặc khu kinh tế, bởi thực tế đã có nhiều quốc gia làm đặc khu thất bại do cách làm chứ không phải chủ trương. “Thời điểm này chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nên phải xác định nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập, điều hành tại các đặc khu” – ông Nghĩa nói.

Bày tỏ sự quan tâm tới chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư chiến lược được cấp đất tới 99 năm, ông Nghĩa băn khoăn bởi so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm và do Thủ tướng quyết định, thời hạn cho thuê đất tới 99 năm là chưa hợp lý. Đơn cử, nhà đầu tư chiến lược chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm.

“Liệu rằng 50 năm nữa người ta còn dùng tiền không, còn đánh bạc không, nếu còn thì còn đánh theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại chúng ta có thu hồi đất hay không?”, ông đặt hàng loạt câu hỏi và đề nghị không nên nới thêm thời gian cấp đất, cũng như cần xem lại khái niệm nhà đầu tư chiến lược quy định tại dự luật hiện “quá dễ dãi”.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị, dự Luật cần quy định dự án thất bại phải quy định trả lại đất, và dự án nào muốn thay đổi ngành nghề khác thì phải thay đổi thủ tục. “Cần quy định có ngành không cho nước ngoài đầu tư, có những ngành không cho chuyển nhượng nước ngoài”, ông nói.

ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng đồng ý việc ban hành luật chung, nhưng phải có tiêu chí cụ thể để sau này địa phương nào đủ điều kiện thì cho thành lập đặc khu không cần bổ sung, sửa đổi luật.

Riêng về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, phương án Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức Trưởng đặc khu. Bên cạnh Trưởng đặc khu có Hội đồng đặc khu, thực hiện chức năng giám sát. Nhân dân, HĐND tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng tham gia giám sát Trưởng đặc khu là phù hợp với chủ trương của Đảng, nhưng có sự ràng buộc đặc biệt, chịu sự giám sát của HĐND cấp tỉnh, phải báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh khi cần, giám sát phản biện của Mặt trận Tổ quốc. Ông Hoàng cho rằng như vậy giao là quyền hành cho trưởng đặc khu nhưng quy định ràng buộc cũng nhiều. Vì vậy, không hợp lý.

Ông đồng tình với phương án Quốc hội quyết định thành lập đặc khu, tổ chức chính quyền địa phương một cấp tại đặc khu gồm HĐND và UBND. Theo ông, thay vì giao 147 quyền cho trưởng đặc khu thì giao ít quyền đi cho Chủ tịch UBND, HĐND. Có thể có những quyền cao hơn tỉnh để đặc khu có quyền xứng tầm, kêu gọi được sự đầu tư.

Về quy định ngân sách của đặc khu được bội chi, ông đề nghị giao Chính phủ quy định điều kiện được bội chi ngân sách để đảm bảo phù hợp với khả năng trả nợ của địa phương và mức bội chi ngân sách chung, không phải ngân sách chung phải chịu.

Đặc biệt, về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, ông Hoà đồng ý miễn thuế đến 2030, nhưng sau đó phải thực hiện theo quy định hiện hành, không thể giảm 50% cho những năm tiếp theo bởi như vậy ngân sách sẽ thất thu và không công bằng với khu vực khác. “Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại, không thể miễn thuế tiền thuê đất, mặt nước cả tuổi đời dự án 70 năm, 90 năm, vì như vậy không khác gì cho không đất đai cho những người thuê đất” – ĐB kiến nghị.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Giao thông