Top

Xâu xé đất nông, lâm trường

Cập nhật 11/11/2015 13:49

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết hiện tổng diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên quản lý còn 7.916.366 ha.

Rừng nguyên sinh do Lâm trường Sê San (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum) quản lý bị lâm tặc xâm phạm, gỗ được tập kết thành bãi trong rừng sâu - Ảnh: Thái Bá Dũng

Thảo luận về báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014” ngày 10-11, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ra bức xúc về tình trạng đất nông, lâm trường bị buông lỏng quản lý, dẫn đến bị lấn chiếm...

“Nhà vườn, biệt phủ” trong rừng

Nhận định về thực trạng quản lý đất đai ở khu vực này, báo cáo cho rằng:

“Tranh chấp, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai (lấn chiếm, cho thuê cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật) tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên, trong thời gian dài và nhiều vụ việc phức tạp. Phổ biến tại các tỉnh Tây nguyên và các tỉnh Đông Nam bộ”.

Chính phủ có báo cáo về hiện trạng sử dụng đất của 54 công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng trong cả nước (số liệu trong bảng bên) nhưng theo trưởng đoàn giám sát, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì “qua giám sát cho thấy diện tích bị lấn chiếm, tranh chấp ở các địa phương lớn hơn rất nhiều”.

Chẳng hạn, giai đoạn 2004 - 2014, tỉnh Bình Phước có 
56.225,9 ha đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm, có đơn vị như ban quản lý rừng phòng hộ Bù Đăng gần như phần lớn diện tích được giao quản lý bị lấn chiếm với diện tích lên đến 26.362 ha, trong đó đất rừng phòng hộ 15.108,9 ha, đất rừng sản xuất 11.253,2 ha.

Ở tỉnh Đắk Nông, diện tích rừng bị chặt phá tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Tín là 969,3ha, Công ty Quảng Sơn 1.900ha, Công ty Đăk RMăng 1.610,8ha. Tỉnh Đắk Lắk có 19.286 ha diện tích rừng bị tranh chấp, lấn chiếm chưa được giải quyết dứt điểm...

Bên cạnh đó, những tồn tại ở các nông, lâm trường được đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nêu: “Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai vẫn tiếp tục lỏng lẻo. Nhiều nơi khoán trắng đất cho người lao động nhưng buông lỏng không quản lý được hợp đồng giao khoán.

Có nơi khoán trắng, khoán trái pháp luật, có tình trạng khoán trắng theo kiểu phát canh thu tô. Không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất để tình trạng người nhận khoán tùy tiện chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật sang làm nhà ở, công trình dịch vụ cơ bản trên đất”.

Nêu hình ảnh “nhà vườn, biệt phủ trong rừng mọc lên ở nhiều địa phương”, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) cho rằng nó tiêu biểu cho tình trạng sử dụng sai mục đích và buông lỏng quản lý.

Mỗi hecta nộp ngân sách “vài cái kẹo”

Đề cập hiệu quả sử dụng đất trong các nông, lâm trường thể hiện qua con số nộp thuế, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng “không thể chấp nhận được”.

Ông nói: “Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, có 6 đơn vị không có số liệu thu vào ngân sách, còn tất cả địa phương có đất rừng còn lại trong giai đoạn năm 2004 - 2014 chỉ nộp được hơn 1.700 tỉ đồng, bình quân mỗi hecta đất sản xuất phải kê khai để làm nghĩa vụ tài chính trong một năm chỉ nộp vào ngân sách nhà nước 80.000 - 90.000 đồng, tương đương với giá trị của vài chiếc kẹo” (như Tuổi Trẻ 22-9-2015 từng phản ánh “Đất nông, lâm trường: 1 ha thu được 10 ký gạo”).

Từ thực tế địa phương mình, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) nêu: 3 công ty lâm nghiệp ở Hà Giang trực thuộc Tổng công ty Giấy VN được giao đất với hình thức không thu tiền là 14.000 ha, mỗi năm nộp cho ngân sách nhà nước khoảng 500 triệu đồng, tức là khoảng 35.000 đồng/ha.

“Qua đó cho thấy đối với hàng triệu hecta đất giao không thu tiền sử dụng đất thì coi như Nhà nước mất không, trong suốt thời gian dài không mang lại lợi ích gì cho Nhà nước. Chính phủ cần chấm dứt ngay việc giao đất không thu tiền cho nông, lâm trường” - ông Pham đề nghị.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang đề nghị khi tính đến hiệu quả của các nông, lâm trường thì phải tính cả hiệu quả xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.

Bởi vì nhiều nông, lâm trường đóng trên các địa bàn đặc biệt khó khăn gần như không thể sản xuất. Có những nông, lâm trường sống nhờ nhiệm vụ bảo vệ rừng tự nhiên, trước đây có khai thác nhưng từ khi Chính phủ quyết định đóng cửa rừng tự nhiên thì các đơn vị này hết sức khó khăn.

Nguồn: báo cáo của Chính phủ - Đồ họa: Vĩ Cường

Dân thiếu đất, 
nông - lâm trường 
bỏ đất hoang

Nhiều đại biểu cũng tỏ ra bức xúc khi người dân sở tại thiếu đất sản xuất, canh tác, trong khi các công ty nông lâm nghiệp quản lý quá nhiều đất có diện tích đất để hoang hóa, không sử dụng đến.

Đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) dẫn chứng tại xã Minh Sơn (Hữu Lũng, Lạng Sơn), nơi định cư của nhiều hộ đồng bào Dao, Nùng, nhưng chỉ có 0,18ha đất ruộng/hộ, đất rừng mới chỉ giao 0,12ha/hộ, còn lại thuộc quyền quản lý của Công ty lâm nghiệp Đông Bắc.

Vì thiếu đất sản xuất, đồng bào nơi đây đã lấn chiếm của công ty này dẫn đến tranh chấp. Tại bản Khe Cát (Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình) có 70 hộ dân 100% dân tộc Vân Kiều, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của cả bản bình quân chỉ có 0,15 ha/hộ, trong khi đó 91,5% diện tích đất rừng của xã lại do các tổ chức nhà nước 
quản lý.

Để chấm dứt tình trạng trên, nhiều đại biểu đề nghị giải thể, cho phá sản đối với các công ty nông, lâm nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, không quản lý được đất đai giao khoán, đất sử dụng không hiệu quả, sai mục đích, không thực hiện được nghĩa vụ về tài chính doanh nghiệp; kiên quyết thu hồi đất chưa sử dụng, sử dụng sai mục đích để giao cho chính quyền địa phương quản lý, sử dụng.

“Cần đặc biệt ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số chưa có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất ở các khu vực tái định cư do các công trình thủy điện” - đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đề nghị.

Đây cũng là đề nghị chung của nhiều đại biểu, trong đó đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị việc chuyển giao đất từ các nông, lâm trường cho các địa phương không được để xảy ra tình trạng manh mún, kém hiệu quả, phải lựa chọn những đơn vị, cá nhân có năng lực sản xuất, kinh doanh để giao đất, giao rừng thì mới có hiệu quả.

Dự kiến sau cuộc giám sát này, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém, bức xúc đang tồn tại trong quản lý đất đai nông, lâm trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ