Top

Vùng đất dữ thay da đổi thịt (*): Lăng Cha Cả sầm uất

Cập nhật 17/11/2018 10:03

Nhìn những công trình hiện đại xung quanh khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả sầm uất, tấp nập ít ai biết nơi đây từng là vùng đất dữ của Sài Gòn xưa

Vùng đất dữ Lăng Cha Cả ngày xưa nay thuộc phường 2 và 4, quận Tân Bình, xung quanh bùng binh quả địa cầu. Tân Bình ngày trước là khu ngoại ô với ruộng nước đầy cỏ lác, rau muống, bò, ngựa thả rông nhưng riêng khu Lăng Cha Cả cạnh sân bay Tân Sơn Nhất đã nhộn nhịp. Một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào qua cửa ngõ Pleiku (Gia Lai), theo những chuyến bay vận tải quân sự tấp nập đổ về đã hình thành khu chợ trời ma túy tại Lăng Cha Cả.

Cứ địa của ma túy, mại dâm

Lăng Cha Cả trở thành cứ địa của những ông trùm, bà trùm hoạt động phi pháp, lợi nhuận từ "cái chết trắng" mang lại quá lớn khiến nhiều tay anh chị bất chấp tất cả để tranh giành địa bàn làm ăn. Đó chính là khởi đầu cho những cuộc truy sát, chém giết của các băng nhóm tội phạm, cũng là chương đầu tiên mở ra thời "oanh liệt" mà chẳng ai tự hào ở khu chợ trời ma túy Lăng Cha Cả.

Lăng Cha Cả những năm 1960 thế kỷ trước Ảnh: FREDERICK P FELLERS

Nhiều cụ cao niên sống trên đường Bùi Thị Xuân (nằm giữa đường Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Trọng Tuyển) cho biết trước 1975, đường này có hẻm đất đỏ nổi tiếng mại dâm, ma túy và giang hồ. Đặc biệt, có 2 xóm đối lập: xóm Bắc do các đối tượng cộm cán từ phía Bắc vào và xóm Nam của các tay giang hồ miền Nam hùng cứ. "Hồi đó thật khủng khiếp, tôi làm quét dọn trong sân bay nên thường khuya mới đi bộ về. Đường về nhà mình mà tôi cứ tưởng như đi vào địa ngục tối tăm lạnh gáy. Gái mại dâm đứng đầy đường ở công viên Hoàng Văn Thụ gạ khách làng chơi về hẻm rồi tổ chức móc túi, cướp tài sản. Người nghiện thì ngồi trước nhà chích choác, vật vã khắp hẻm. Qua đoạn này, tôi phải bước nhanh để tránh cái nhìn của mấy tay anh chị. Có lần tôi chạm mặt Sơn "đảo" - ông Hoàng Duy Thiên, 75 tuổi ở phường 2, nhớ lại.

Nhiều cao ốc ở khu vực Lăng Cha Cả ngày nay Ảnh: GIANG NAM

Sơn "đảo" mà ông Thiên nhắc đến là một tay giang hồ nức tiếng ở Sài Gòn trước 1975. Hắn tên thật là Vũ Đình Khánh, quê Hà Nội, năm 1955 cùng gia đình di cư vào Nam sinh sống ở khu Lăng Cha Cả. Sơn "đảo" bị chính quyền bắt đưa ra Côn Đảo với mức án 5 năm tù vì phạm tội "gian nhân hiệp đảng". Khi mãn hạn tù trở về, Sơn "đảo" lân la ăn chơi với số lính dù nên nhanh chóng trở thành đại ca giang hồ. Cũng từ đó, Sơn "đảo" bắt đầu thiết lập mạng lưới bán lẻ ma túy, bảo kê gái làng chơi, bảo kê sòng bạc...

Trước khi Sơn "đảo" phất lên, khu Lăng Cha Cả là lãnh địa làm ăn của Yến "híp". Muốn thu phục Yến "híp", Sơn "đảo" phải dùng chiêu mà giới giang hồ cho là hèn, vì nhờ một sĩ quan dù cấp úy có máu mặt ra tay dẹp trùm Yến "híp" và con trai Minh "nhượng". Cuối cùng, Sơn "đảo" đã thành công, nắm trong tay "chợ trời" ma túy Lăng Cha Cả, nơi mà các giang hồ thời đó rất thèm thuồng nhưng không thể làm gì vì thế lực bà trùm Yến "híp" rất mạnh.

Dân lành và cả những tay anh chị sừng sỏ của khu Lăng Cha Cả thời đó cũng khiếp sợ khi nghe đến cái tên Sơn "đảo". Nhưng rồi nỗi khiếp sợ đó cũng tan biến khi Sơn "đảo" bị một giang hồ khác bắn chết lúc bước ra khỏi vũ trường Crystal vào đầu năm 1975.

Phố xá khang trang

Sau năm 1975, nhiều con hẻm của đường Bùi Thị Xuân và khu vực quanh Công viên Hoàng Văn Thụ vẫn nhức nhối về tệ nạn ma túy. Những người nghiện trước giải phóng ở khu vực này còn rất nhiều, thói quen du đãng, máu giang hồ vẫn chảy trong người của những đứa trẻ, thế hệ sau của các tay anh chị ngày trước. Chúng tham gia bán, sử dụng và bao che cho các đối tượng buôn bán ma túy nên gây khó khăn cho lực lượng an ninh của chính quyền non trẻ vừa tiếp quản.

Trước tình hình đó, ủy ban quân quản đã bố ráp, truy quyét, đưa các tay giang hồ khu vực Lăng Cha Cả vào tù, lập lại trật tự trị an cho khu vực. Lãnh đạo Công an phường 2, quận Tân Bình cho biết từ năm 2009, Đội CSĐT TP về ma túy, Công an quận Tân Bình phối hợp đơn vị này đã triệt phá thành công ổ bán lẻ ma túy trên đường Bùi Thị Xuân. Hàng trăm đối tượng bị lực lượng công an truy bắt và khởi tố, một số trường hợp được đưa đi cai nghiện. Công an phường 2 còn tăng cường lực lượng gồm cả dân phòng và bảo vệ khu phố liên tục tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự nên tỉ lệ tội phạm tại điểm nóng đã giảm hẳn.

Bà Mai Thị Phúc, 70 tuổi, sống lâu năm tại khu vực này, cho biết sau giải phóng, khu Lăng Cha Cả vẫn còn nhiều mại dâm, nhất là ma túy. Họ mua bán rất công khai, bất chấp pháp luật. Hồi đó, bà muốn đi đâu cũng nơm nớp lo bởi nạn trộm cắp, cướp giật luôn rình rập. Nhưng nay, chiều nào bà cũng dạo bộ ra Công viên Hoàng Văn Thụ tập thể dục dưỡng sinh với các bạn già trong khu phố gần đó. "Bây giờ phố xá khang trang, ai cũng tất bật làm ăn, nhiều người còn có thu nhập cao, bỏ vốn kinh doanh rất khá. Khu này bây giờ kiếm người chơi ma túy cũng khó" - bà Phúc nói.

Những năm gần đây, hàng loạt công trình giao thông hạ tầng hiện đại được xây dựng như tuyến đường Cộng Hòa, mở rộng và kết nối các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Lê Văn Sỹ, Trường Sơn, Phổ Quang, cầu vượt Lăng Cha Cả... đã khiến vùng đất dữ ngày nào trở nên sầm uất. Trong đó, vòng xoay Lăng Cha Cả đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Bên cạnh đó, hàng loạt tòa cao ốc, chung cư với kiến trúc hiện đại được xây dựng đã quét sạch những tàn dư của cái chết "trắng" và tệ nạn mại dâm ở khu Lăng Cha Cả.

Cha Cả là ai?

Giám mục Bá Đa Lộc, được người dân gọi là Cha Cả, một nhà truyền giáo người Pháp có tên thật là Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine. Giám mục Bá Đa Lộc mất năm 1799 ở Quy Nhơn và được vua Gia Long đưa về an táng ở gần ngôi nhà cũ tại khu Vườn Xoài, Tân Sơn Nhứt thuộc tỉnh Gia Định cũ. Lăng Cha Cả khi xưa là khu đất rộng khoảng 2.000 m2, gồm một dãy nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn. Theo thời gian, khu lăng mộ thu hẹp dần. Hiện dấu hiệu để nhận biết Lăng Cha Cả là quả địa cầu ở vòng xoay trên đường Hoàng Văn Thụ.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ