Thị trường bất động sản ảm đảm hơn trong năm qua đòi hỏi phải sớm tái cấu trúc các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Cơ quan quản lý cũng có những động thái siết chặt hơn.
Kiến nghị dừng những dự án không có khả năng khớp nối hạ tầng
Năm 2011, thị trường bất động sản Hà Nội chứng kiến sự chững lại của các giao dịch.
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn, thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định; giá bất động sản đặc biệt là giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, tình trạng đầu cơ kích giá còn phổ biến, giao dịch bất động sản có chiều hướng giảm sút.
“Các giao dịch bất động sản kể cả thông qua hệ thống sàn giao dịch bất động sản và giao dịch không thông qua sàn của người dân đều chững lại trong năm 2011, đặc biệt là giao dịch trong quý 3/2011 rất thấp” – ông Tuấn cho hay.
Thị trường bất động sản ảm đảm hơn trong năm qua đòi hỏi phải sớm tái cấu trúc các doanh nghiệp trong lĩnh vực này (Ảnh: S.Đào)
|
Trong 6 tháng đầu năm nay có khoảng 2.700 giao dịch thành công, trong quý 3/2011 chỉ có khoảng 900 giao dịch thành công. Thị trường bất động sản chủ yếu tập trung tại khu vực đô thị, nhưng khối lượng, giá trị giao dịch và biến động lớn vẫn chủ yếu tại khu vực phía Tây, Tây Nam Hà Nội.
Trong thời gian tới, ông Tuấn cho hay, sẽ đề nghị với các sở liên quan như Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Kế hoạch đầu tư cùng với Sở Xây dựng kiểm tra, rà soát, đề xuất điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, kể cả các dự án được phê duyệt nhưng chưa triển khai thi công để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, tiết kiệm tài nguyên đất và đảm bảo đồng bộ hạ tầng của các khu đô thị mới.
Hà Nội cũng hạn chế phát triển nhà ở cao cấp (biệt thự, căn hộ chung cư có diện tích từ 120m2 trở lên) trong các dự án nhà ở thương mại xây dựng mới; kiểm soát các dự án do các chủ dự án được được phê duyệt, đang triển khai thực hiện để đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Với các dự án không có khả năng kết nối hạ tầng, cung cấp dịch vụ đô thị, Sở này kiến nghị cho dừng triển khai.
Ngoài ra, sở cũng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc huy động vốn và mua bán, chuyển nhượng của các chủ đầu tư dự án nhà ở. Kiên quyết xử lý những sàn giao dịch bất động sản cố tình vi phạm pháp luật trong giao dịch gây mất ổn định thị trường.
Về chính sách vốn, ông Tuấn đề nghị, ngân hàng giảm tỷ trọng cho vay ở các khoản mục như xây dựng khu đô thị mới, xây dựng văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng, xây dựng nhà ở để bán, mua quyền sử dụng đất hoặc bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời tăng tỷ trọng vay như xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, mua nhà ở, hoàn thiện các dự án nhà ở sắp hoàn thành cần vốn đề tiếp tục hoàn thiện bán và thu hồi vốn năm 2012.
Tái cấu trúc doanh nghiệp bất động sản
Trong hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp bất động sản mới đây tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã không dưới hai lần nhấn mạnh các doanh nghiệp bất động sản phải tái cơ cấu.
Đồng quan điểm này, TS Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, để vượt qua khủng hoảng, doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận thay đổi để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, phải biết sắp xếp tổ chức lại hệ thống, chủ động bố trí lại nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí... Ngoài ra phải điều chỉnh hướng kinh doanh, đưa ra chiến lược thích nghi được với sự thay đổi khắc nghiệt của thị trường.
"Khi thị trường bất động sản ở đỉnh cao, nhiều doanh nghiệp đã chạy đua theo thị trường, vốn tự có rất ít nhưng đã sử dụng nợ vay nhiều để đầu tư hàng loạt dự án. Khi thị trường suy thoái, họ thiếu vốn trầm trọng cộng thêm áp lực ngân hàng siết nợ đến cuối năm đang đè nặng" - ông Hiếu phân tích.
Theo ông Hiếu, trước hết doanh nghiệp phải chấp nhận hạ giá bán sản phẩm, chuyển nhượng hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư các dự án đang triển khai, mua bán, sát nhập dự án… Đây là cách giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước mắt, xử lý được các dự án đang đình trệ do thiếu vốn, có cơ hội để tái cấu trúc lại hoạt động đầu tư, cắt giảm nhân sự, chi phí…
Ngoài ra về lâu dài để tránh phụ thuộc quá nhiều từ nguồn tín dụng ngân hàng các doanh nghiệp cũng nên tận dụng nguồn vốn từ các kênh huy động khác như phát hành các công cụ nợ, thu hút vốn trên thị trường chứng khoán, thu hút vốn từ nguồn khách hàng, kêu gọi các tổ chức có tiềm lực tài chính tham gia góp vốn đầu tư...
Đồng thời có thể tính đến việc chào bán sản phẩm hoặc thu hút nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam. "Mặc dù tình hình giao dịch bất động sản trong nước trầm lắng tuy nhiên đối với các nhà đầu tư nước ngoài thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển ở phân khúc văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ, các khu phức hợp, khu nghỉ dưỡng, nhà ở cho người nước ngoài…." - ông Hiếu phân tích.
Các doanh nghiệp cũng cần phải thực hiện một chính sách linh hoạt hơn trong chiến lược đầu tư như đầu tư vào phân khúc nhà ở trung bình và nhà cho người có thu nhập thấp, dự án ở các vùng ven của các thành phố lớn vì giá đất còn rẻ.
DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: