Gửi Quốc hội báo cáo về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ đánh giá, từ khi khởi công đến nay dự án này gặp nhiều khó khăn.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đánh giá là gặp nhiều khó khăn.
|
Một trong số các khó khăn đó là năng lực của tổng thầu EPC (Trung Quốc) và tư vấn giám sát chưa đáp ứng được yêu cầu.
Và, phần lớn vốn bị đội lên của dự án cũng nằm ở những chi phí thuộc tổng thầu Trung Quốc.
Từ 553 lên 868
Cụ thể, Chính phủ cho hay, tổng mức đầu tư ban đầu của dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2008 là gần 8.800 tỷ đồng - tương đương 553 triệu USD.
Trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc là 1,2 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 169 triệu USD) với lãi suất 3%/năm) và vốn vay ưu đãi bên mua cũng của nước này là 250 triệu USD (lãi suất 4%/năm). Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 133,86 triệu USD.
Tuy nhiên, tại thời điểm Chính phủ hoàn thành báo cáo (21/10/2015), dự án phải điều chỉnh vốn rất lớn, với tính toán của tư vấn TEDI, được Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng thẩm tra là 868 triệu USD, tăng 315 triệu USD.
Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc phải tăng thêm 250,62 triệu USD.
Đáng chú ý, trong khoản này, riêng các chi phí thuộc hợp đồng EPC với tổng thầu Trung Quốc đã đội lên hơn 248,48 triệu USD. Chỉ gần 2,2 triệu USD là thuộc chi phí dự phòng tăng thêm.
Phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam cũng phải điều chỉnh tăng thêm gần 65 triệu USD (tương đương 2.000 tỷ đồng). Chi phí giải phóng mặt bằng cũng khiến tổng mức đầu tư đội thêm 63,17 triệu USD (tương đương 1.911 tỷ đồng).
Báo cáo cũng nêu rõ những lý do phải điều chỉnh vốn là do thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu depot; bổ sung hạng mục đường tránh quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; bổ sung chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ; thay đổi vị trí bãi đúc dầm; công tác nghiệm thu thiết bị, đoàn tàu và vận hành chạy thử dự án; kinh phí giải phóng mặt bằng (bao gồm cả di dời công trình hạ tầng kỹ thuật) thay đổi; do trượt giá…
Đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành khối lượng thi công 419/419 trụ cầu khu gian, 112/112 trụ nhà ga, 81/112 xà mũ các nhà ga (khoảng 72%), cơ bản hoàn thành toàn bộ tầng 2, tầng 3 ga mẫu La Khê, toàn bộ 420 cọc khoan nhồi nhà ga Cát Linh, đục được 608 và lao lắp 494 trên tổng số 806 phiến dầm đơn giản.
Trên công trường, 180 m cầu sông Nhuệ đúc hẫng cũng đã hoàn thành, thảm xong hạng mục đường tránh quốc lộ 6.
Cũng tính đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã ký hai hiệp định vay vốn, tổng số 419 triệu USD cho dự án và giải ngân được 3.960 tỷ đồng (tương đương 195 triệu USD), đạt 47% tỷ lệ vốn ODA đã vay.
Đánh giá chung về tình hình thực hiện dự án, bên cạnh khó khăn đã nêu ở trên, Chính phủ còn đề cập đến việc giải phóng mặt bằng chưa kịp thời, năng lực của chủ đầu tư dự án trước đây là Cục Đường sắt Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm. Hoặc, do dự án phải sử dụng đồng thời nhiều hệ thống quy trình, quy phạm thiết kế, định mức, đơn giá…
Nhưng, thời gian qua nhiều biện pháp đã được thực hiện để đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chất lượng và giá thành công trình. Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát, kiên quyết thay thế các nhà thầu phụ yếu kém về năng lực, kinh nghiệm đang tham gia thực hiện dự án để bổ sung, thay thế bằng các nhà thầu phụ có năng lực, kinh nghiệm, đảm bảo chất lượng, tiến độ thi công.
Chủ đầu tư cũng yêu cầu thay thế giám đốc điều hành của tổng thầu, tư vấn giám sát bằng những nhân sự có năng lực, kinh nghiệm để điều hành dự án. Yêu cầu tổng thầu bổ sung nhân sự có năng lực, kinh nghiệm để điều hành dự án.
Bộ Giao thông vận tải còn buộc lãnh đạo của Tổng thầu Trung Quốc sang ở tại Việt Nam để trực tiếp điều hành dự án. Hiện nay, tổng thầu EPC đã cử một phó tổng giám đốc sang Việt Nam để trực tiếp điều hành và đã bổ sung thêm hai công ty con sang Việt Nam để tham gia thi công, báo cáo cho biết thêm.
Lãnh dạo Bộ cũng đồng thời yêu cầu tổng thầu phải kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành cho các nhà thầu phụ để đảm bảo năng lực tài chính cho các đơn vị tham gia thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, tư vấn thiết kế cũng được yêu cầu phải thường xuyên có mặt tại Việt Nam để kịp thời giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong các hồ sơ thiết kế; kịp thời tổ chức các cuộc họp trao đổi kỹ thuật giữa tổng thầu, tư vấn thiết kế và tư vấn thẩm tra để thống nhất các nội dung còn tồn tại.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: