Sau 2 năm, giá nhà tại TP.HCM đã tăng mạnh ở nhiều phân khúc, cao hơn khoảng 30% so với Hà Nội.
Giá nhà ở Hà Nội hiện được đánh giá thấp hơn khoảng 30% so với TP.HCM. Ảnh: Vũ Đức Anh
Theo số liệu của Bloomberg trong giai đoạn trước năm 2017, Hà Nội là một trong những thành phố có giá nhà ở đắt nhất thế giới so với thu nhập bình quân của người dân.
Cụ thể, trong năm 2017, Hà Nội được xếp thứ 3 trong danh sách này với mức thu nhập bình quân của người dân là 275 USD/tháng, tiền thuê căn hộ 3 phòng ngủ cao gấp 2,6 lần thu nhập, còn mức thanh toán cho khoản vay thế chấp cho 1 căn hộ 93 m2/tháng cao gấp 4 lần thu nhập.
Giới chuyên gia thời điểm đó nhận định, giá nhà ở tại Hà Nội luôn cao nhất cả nước, tốc độ tăng giá, nguồn cung căn hộ cũng cao vượt trội so với các tỉnh/ thành phố khác trên cả nước.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi nhanh chóng trong 2 năm gần đây. Số liệu thống kê của Savills Việt Nam cho thấy, giá nhà ở Hà Nội đã thấp hơn khoảng 30% so với TP.HCM.
Còn theo số liệu của CBRE, giá bán sơ cấp tại Hà Nội, thời điểm 9 tháng đầu năm 2019 được ghi nhận ở mức 1.377 USD/m2, tăng 4% theo năm. Trong khi đó, giá trung bình thị trường căn hộ tại TP.HCM khoảng 1.852 USD (khoảng 42,5 triệu đồng)/m2, tăng 15% so với năm trước.
Trao đổi với PV báo Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam lý giải, hiện nay nhiều dự án tại TP.HCM đang bị đẩy giá lên mức cao.
Ví dụ, phân khúc căn hộ bình dân, tại Hà Nội có mức từ 20 - 25 triệu đồng/m2, thì tại TP.HCM mức thấp nhất đã là 30 triệu đồng/m2.
Theo ông Đính, sở dĩ có hiện tượng đảo nghịch như hiện tại, một phần là do nguồn cung tại TP.HCM đang khan hiếm hơn Hà Nội. Một số chủ đầu tư cũng đã lợi dụng tình trạng này để tăng giá bất chấp.
Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, nền kinh tế TP.HCM có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn Hà Nội, nên đã tạo ra sức bật cho thị trường BĐS, nhất là phân khúc văn phòng.
Theo các chuyên gia, người mua nhà tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu thật, trong khi xu hướng đầu cơ tại TP. Hồ Chí Minh đang có tần suất cao hơn. Ảnh chụp trong khu đô thị Ecopark (Hà Nội)
Ngoài ra, Phó Chủ tịch của Hội Môi giới BĐS nhìn nhận, trong 3 năm gần đây, hiện tượng đầu cơ bất động sản tại Hà Nội xuất hiện ít hơn so với TP.HCM. Đa phần, người mua nhà tại Hà Nội xuất phát từ nhu cầu nhà ở thật nên giá bán trên thị trường sơ và thứ cấp có tính ổn định hơn.
“Trong khi đó, xu hướng đầu cơ tại TP.HCM có tần suất cao hơn, nhất là 1 năm trở lại đây, do nguồn cung khan hiếm. Như vậy, khi nhà đầu tư nhận thấy “sóng” ở thành phố nào, thì họ sẽ đầu cơ ở đó. Trong khi Hà Nội thị trường “lặng”, ổn định sẽ ít xuất hiện tình trạng đầu cơ hơn”, ông Đính nói.
Ông Phan Văn Vĩnh, chuyên gia BĐS nhìn nhận, thị trường BĐS TP.HCM đang trở thành cái “rốn” hút vốn nhờ khả năng khai thác và tỷ lệ lợi nhuận cao hơn Hà Nội. Được biết, tỷ lệ lợi nhuận từ căn hộ cho thuê tại TP.HCM luôn ở mức 7 - 8%/năm, cao nhất cả nước.
“Một căn hộ khoảng 100 m2 tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có thể cho thuê với mức giá 100 USD/m2/tháng, cùng phân khúc đó, tại quận 1 (TP.HCM), mức giá cho thuê có thể đạt 120 - 150 USD/m2/tháng. Rõ ràng nhà đầu tư sẽ ưu tiên TP.HCM so với Hà Nội”, ông Vĩnh nói.
DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: