Top

Vì sao bất động sản TPHCM rơi vào thế khó?

Cập nhật 24/12/2019 09:05

"Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh lại bị vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị vướng?! ", ông lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đặt câu hỏi



Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019 với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững" ngày 23/12/2019, ông lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) nêu vấn đề hiện nay, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa minh bạch.

"Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, tại sao các dự án nhà ở tại thành phố Hồ Chí Minh lại bị vướng, nhưng tại các địa phương khác thì không bị vướng?! Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp (xen kẹt đất nhà nước quản lý) như nhau, nhưng có một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại chưa được phê duyệt, chưa đảm bảo tính công bằng", ông Châu đặt câu hỏi

Theo ông Châu tình trạng trên đây bắt nguồn từ các nguyên nhân, sau đây:

1. Hệ thống pháp luật (công tác lập pháp, lập quy), chưa thật đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ; Phương thức xây dựng các Luật phổ biến theo kiểu "Luật khung; Luật ống", dẫn đến khó đấu tranh với các lợi ích cục bộ của Bộ, ngành đề xuất Luật.

2. Khâu yếu nhất vẫn là công tác thực thi pháp luật, trong đó có việc quy định về các điều kiện, cơ chế của một số Văn bản dưới luật.

3. Quy trình, thủ tục hành chính nhìn chung vẫn còn rườm rà, bất cập.

4. Trách nhiệm và năng lực thi hành công vụ của một số cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn hạn chế; tệ nạn nhũng nhiễu chưa được khắc phục.

Trước thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc, "điểm nghẽn" của thị trường bất động sản, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại, tạo điều kiện cho người dân có nhà ở.

Ông Châu cũng nêu rõ tròn 2 năm qua, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh đã bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là tình trạng quá thiếu nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội; đã có nhiều dự án nhà ở bị "đứng hình" do không thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng, hoặc bị dừng triển khai.

Cụ thể, năm 2018, nguồn cung dự án nhà ở (mới) bị sụt giảm mạnh, giảm 42% số lượng dự án, giảm 40% về số lượng căn hộ so với năm 2017; Số lượng dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn giảm 16,31% về số lượng dự án và giảm 34,14% về số lượng căn nhà so với năm 2017. Năm 2019, nguồn cung dự án nhà ở (mới) tiếp tục bị sụt giảm sâu, tương tự như năm 2018.

"Tình trạng thiếu nguồn cung sản phẩm nhà ở, dẫn đến giá nhà đất tăng đem lại lợi nhuận lớn cho các chủ đầu tư có dự án, nhưng lại làm cho khách hàng bị thiệt vì phải mua nhà giá cao hơn. Bên cạnh đó, phần lớn người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn", ông Châu khẳng định.

"Hiệp hội nhận thấy thị trường bất động sản hiện nay về bản chất không xấu, chưa có nguy cơ bị khủng hoảng, vì vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Thị trường bất động sản thành phố rơi vào tình thế khó khăn hiện nay chỉ có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có "độ trễ", nếu Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương không có biện pháp xử lý sớm các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, làm cho "giấc mơ tạo lập nhà ở ngày càng xa vời" đối với đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, nhất là giới trẻ mới lập gia đình, mới lập nghiệp", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho biết.

Ông Châu cũng đưa ra 3 kiến nghị:

1. Hiệp hội kiến nghị Quốc hội xem xét hoàn thành việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị trong năm 2020.

Trước mắt, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để sửa đổi các Nghị định 43/2014/NĐ-CP; Nghị định 44/2014/NĐ-CP; Nghị định 47/2014/NĐ-CP; Nghị định 104/2014/NĐ-CP; Nghị định 01/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở; và sớm ban hành "Quy chuẩn xây dựng Việt Nam" để giải quyết ngay các vướng mắc về pháp lý đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất thuộc Nhà nước quản lý, để làm tăng nguồn cung dự án nhà ở, nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, trong đó có điểm nóng condotel.

2. Đối với các dự án nhà ở sử dụng quỹ đất công thuộc diện rà soát do cơ sở pháp lý để đề xuất ra quyết định chưa chính xác, Hiệp hội đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận đối với các dự án thuộc diện rà soát, thanh tra, để các chủ đầu tư chấp hành, thực hiện các nghĩa vụ tài chính bổ sung với Nhà nước (nếu có). Đồng thời, Hiệp hội đề nghị cho phép chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thực hiện dự án, giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân.

3. Kiến nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính hiệu quả và thực chất:

Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương đẩy mạnh rà soát toàn diện và triệt để nhằm cải cách thủ tục hành chính thực chất, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đảm bảo tính phục vụ và trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm giải quyết, để ổn định trạng thái tâm lý sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám đề xuất giải quyết hồ sơ, yêu cầu của doanh nghiệp của một số cán bộ công chức thuộc lĩnh vực đất đai, xây dựng, bất động sản, do có xuất hiện yếu tố "rủi ro" trong thi hành công vụ.

DiaOcOnline.vn – Theo Tri thức trẻ