Hơn 5 tháng nữa kết thúc chương trình cho vay ưu đãi nhưng hiện chưa có nguồn vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Hiện nguồn vốn cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ lấy từ đâu. (Ảnh minh họa: Internet)
|
"Khi đã có chủ trương cần phải có kế hoạch từ sớm để cho người dân biết được lộ trình, điều kiện vay, có thỏa thuận được với các chủ đầu tư không? Chậm triển khai chính sách sẽ liên tục để cho người dân lo lắng, các doanh nghiệp cũng khó thực hiện.” Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội |
Trả lời báo chí, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định, “đã chuẩn bị tinh thần, nhân lực, các quy trình nghiệp vụ và sẵn sàng thực hiện khi được Chính phủ bố trí vốn”. Chính sách đã có, nhưng nguồn vốn ở đâu để thực hiện vẫn là bài toán “đau đầu” của các cơ quan chức năng, bởi các Bộ, ngành liên quan đều đang gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho nhiệm vụ này.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, hiện vẫn chưa biết sắp xếp vốn từ đâu sẽ khiến chương trình chậm trễ, ảnh hưởng đến tâm lý xã hội.
“Về mặt chính sách là tốt nhưng để triển khai được đến nay vẫn chưa có một nguồn lực rõ ràng được khẳng định, chưa có hướng dẫn từ ngân hàng. Khi đã có chủ trương cần phải có kế hoạch từ sớm để cho người dân biết được lộ trình, điều kiện vay, có thỏa thuận được với các chủ đầu tư không? Chậm triển khai chính sách sẽ liên tục để cho người dân lo lắng, các doanh nghiệp cũng khó thực hiện”, ông Điệp bày tỏ.
Nguồn vốn chưa có, đồng nghĩa với việc người dân chưa có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi, doanh nghiệp vẫn còn trong tâm thế “chờ đợi”. Trong khi thực tế là ở Hà Nội và TP HCM ngày càng khan hiếm các dự án nhà ở xã hội, nhà giá rẻ.
Ông Nguyễn Chí Thanh, đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, khi bắt đầu triển khai gói 30.000 tỷ trước đây, nguồn vốn đã có sẵn, nên các doanh nghiệp mới tích cực xây dựng tạo nguồn cung đáp ứng nhu cầu nhà ở của những người vay gói hỗ trợ này. Do vậy, cần luôn tạo ra cơ chế thu hút lượng tiền phục vụ phát triển nhà ở trong nhiều năm tới mới có thể giải quyết được vấn đề này.
“Quy định như vậy nhưng quan trọng là Ngân hàng Chính sách sẽ thu xếp được bao nhiêu? Tại sao trước đây thu xếp được gói 30.000 nghìn tỷ? Các ngân hàng đều có trích các quỹ làm từ thiện nên việc kêu gọi ngân hàng tiếp tục trích 1 khoản ra để giúp cho nhà ở xã hội là cần tiếp tục định hướng kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước. Nếu không thì nguồn cấp được cho nhà ở xã hội sẽ lại rất nhỏ”, ông Thanh kiến nghị.
Nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, xã hội của nước ta trong những năm tới là rất lớn. Theo Bộ Tài chính, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi, tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi, hoặc tăng lãi suất lên từ 2%-3,5%.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, giải pháp hiện nay là Nhà nước cần tiếp tục tăng thu, đồng thời tìm kiếm các nguồn vốn, rà soát để xem xét những khoản tiền liên quan đến đầu tư không cần thiết hay lãng phí để có thể chuyển vào nguồn vốn dành cho phát triển nhà ở.
“Một là vẫn phải chờ, hai là phải rà soát lại các khoản thu chi. Bây giờ Nhà nước đi vay ở đâu về thì không có, in tiền ra cũng không được. Chuyện này khó không chỉ có khoản này mà một số khoản khác vẫn đang nợ. Chỉ có trách là trong bối cảnh như vậy mà nếu như một số khoản chi khác vẫn phóng tay thì không nên”, ông Phong nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nhanh chóng thu xếp nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện chương trình vay vốn ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm, cũng cần thiết có tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thực hiện gói 30.000 tỷ đồng để có bài học kinh nghiệm cho các chương trình hỗ trợ nhà ở tiếp theo.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: