Để nhường đất cho dự án thủy điện Đakđrinh, năm 2013 gần 100 hộ dân đồng bào Ca Dong ở huyện miền núi Sơn Tây (Quảng Ngãi) nằm trong khu vực lòng hồ thủy điện phải di dời đến các khu tái định cư.
Tại đây, sau khi nhận khoản tiền đền bù khá lớn, nhiều hộ trích một phần gửi vào ngân hàng lấy lãi, mua sắm các vật dụng đắt tiền và bỏ ra số tiền từ 300 - 700 triệu đồng xây nhà theo kiểu biệt thự. Thế nhưng, xây xong “nhà to, cửa rộng”, các hộ vẫn tận dụng ngôi nhà sàn ở nơi cũ chuyển về dựng phía sau biệt thự để ở, còn biệt thự thì chỉ… để ngắm, cửa đóng im ỉm (ảnh).
Ông Đinh Văn Huyết (khu tái định cư nằm trên địa bàn xã Sơn Liên) cho biết nhận được 1,6 tỉ đồng bồi thường từ dự án thủy điện Đakđrinh, gia đình ông trích ra 500 triệu đồng xây nhà khá hoành tráng. Song 2 năm qua, cả 6 thành viên gia đình đều sinh sống trên nhà sàn khoảng 50 m2. “Về ở khu tái định cư cuộc sống khá hơn nhiều nơi ở cũ nhưng cả gia đình vẫn không quen ở biệt thự. Ở nhà sàn sướng hơn nhiều, vừa nấu ăn vừa ngủ một chỗ tiện lợi lắm”.
Tương tự, cụ Đinh Văn So (75 tuổi) nói: “Biệt thự chỉ dành cho những đứa trẻ chứ già như tui không ở được. Lâu nay ở nhà sàn quen rồi”.
Ngày 1.5, ông Đinh Quang Ven, Phó chủ tịch UBND H.Sơn Tây, cho biết khi người dân xây dựng những ngôi nhà khang trang ở các khu tái định cư, chính quyền địa phương mong muốn các gia đình nằm trong diện di dời có cuộc sống tốt hơn. “Song thực tế không như mong muốn vì đồng bào Ca Dong vẫn quen sống với tập tục ở nhà sàn. Các cơ quan chức năng và đoàn thể của huyện sẽ vận động các gia đình ở khu tái định cư, nhất là con cái của họ dần thay đổi thói quen chuyển sang ở nhà mái ngói, sạch sẽ thoáng mát”, ông Ven nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: