Nhiều vấn đề bất cập trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng hiện nay đã được nêu ra trong Hội thảo dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) diễn ra trong sáng 27/9, tại Hà Nội.
Đề dẫn tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Luật Xây dựng 2003 đã góp phần quan trọng tạo môi trường pháp lý, tạo ra các năng lực cho đầu tư phát triển, nâng cao quản lý vốn, khắc phục thất thoát trong xây dựng. Luật có phạm vi điều chỉnh lớn, liên quan đến vốn đầu tư xây dựng (chiếm gần 80% tổng vốn đầu tư xã hội). Tuy nhiên, việc đầu tư trong thời gian qua còn tự phát, phong trào, đầu tư thiếu quy hoạch, gây nợ đọng trong BĐS. BĐS hiện đang trong thời kỳ khó khăn nhất.
Liên quan đến đầu tư, Bộ trưởng cho biết, Quốc hội cũng đang yêu cầu Bộ KHĐT xây dựng Luật đầu tư công (thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới) sẽ có phần kế hoạch hóa đầu tư, phân bổ, kiểm soát phân hóa nguồn vốn đầu tư. Mặt khác, về vấn đề quy hoạch vùng, hiện thiếu quy hoạch vùng lãnh thổ, vùng liên tỉnh, liên huyện, liên xã… dẫn đến các công trình xây dựng bị dàn trải, phân tán, lãng phí nguồn lực.
Bên cạnh đó, trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung, các quy phạm pháp luật chủ yếu quy định nguồn vốn nhà nước về đầu tư xây dựng. Đến thời kỳ phát triển kinh tế thị trường, những quy định cũng không còn phù hợp, nhưng nhiều khi tư tưởng thị trường hóa quá được đề cao, nhất là với Luật Xây dựng 2003, quá coi trọng các chủ đầu tư…; Cần có chế tài tăng cường quản lý chéo, quản lý việc gây lãng phí, tham nhũng. Bộ trưởng cũng nhìn nhận, chất lượng dự án chưa cao, dễ nâng khống; nên cần có điều luật quản lý các nguồn vốn khác nhau, quản lý khác nhau.
Kinh nghiệm của các nước làm dự án nghiên cứu nhiều năm, khi xây dựng rất nhanh. Nhưng ngược lại ở ta kéo dài quá trình xây dựng rất lâu. Hiện nước ta có trên 50.000 doanh nghiệp xây dựng. Luật Doanh nghiệp tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp thành lập, nhưng với ngành xây dựng phải có điều kiện. Thực tế, các nhà thầu phát triển mạnh nhưng chất lượng có “vấn đề”. Hàng nghìn doanh nghiệp không có đủ tư cách hành nghề. Cần có chế định cụ thể xác định năng lực chủ đầu tư, Ban quản lý, nhà thầu… Hiện đã có quy định bảo hành công trình, nhưng nếu doanh nghiệp không còn tồn tại nữa sẽ không còn người bảo hành. Xu hướng của thế giới là bảo hiểm công trình, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, công trình xây dựng cần phải được tiền kiểm, nếu có hỏng hóc phải được điều chỉnh kịp thời…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội thảo.
|
Để khắc phục các vấn đề trên, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì cùng một số ngành, địa phương đã soạn Luật Xây dựng sửa đổi (đang dự thảo đến lần thứ 34). Đây là dự Luật lớn, “đồ sộ” với 10 chương và 150 điều. Những nội dung mới trong dự thảo Luật lần này có 6 điểm. Một là, đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí, hiệu quả thấp, đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng. Hai là, sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để đáp ứng các yêu cầu mới trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch đối với quy hoạch xây dựng được duyệt. Ba là, tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư xây dựng. Bốn là, đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng trên cơ sở quản lý chặt chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước kết hợp với đáp ứng các yêu cầu khách quan của thị trường, bảo đảm sự bình đẳng quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thông qua hợp đồng xây dựng. Năm là, thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp phép xây dựng. Sáu là, xác định trách nhiệm của quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng trên cơ sở quy định rõ nội dung quản lý nhà nước và thực hiện phân công, phân cấp hợp lý giữa bộ, ngành và địa phương.
Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Bộ vẫn đang tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp cho hoàn thiện dự thảo luật.
Tham luận tại hội nghị, ông Trần Ngọc Hùng – Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam đề nghị để tên là Luật Xây dựng sửa đổi và thêm 3 chương mới: Quản lý dầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước; Quyền hạn, nhiệm vụ của Mặt trận tổ quốc và các thành viên của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp của cộng đồng; Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp. Riêng về vấn đề chủ đầu tư, ông Hùng đề nghị Bộ, UBND không trực tiếp làm chủ đầu tư, chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và quản lý nhà nước tại các dự án. Chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý khai thác sử dụng công trình sau này với các hình thức quản lý như tự thực hiện, thành lập Ban quản lý…
Bên cạnh đó, TS Đào Ngọc Nghiêm - Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị VN cho rằng việc sửa luật là cấp bách, không chỉ dừng ở mức cấp thiết. Đây là luật gốc để các luật khác triển khai. Trong dự thảo vẫn có 25 nội dung giao cho Chính phủ quy định, cần sửa đổi. Luật cần có chương quy hoạch xây dựng hoàn chỉnh và đồng bộ; bổ sung thêm phần quản lý xây dựng nông thôn mới, khu chức năng đô thị. Không nên có quy hoạch vùng xây dựng liên tỉnh, tích hợp trong quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội, giảm bớt khó khăn cho cơ quan quản lý…
Sau khi nghe tham luận của các đại biểu, tại hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đã tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp cũng như giải trình những tranh luận của đại biểu. Dự kiến, Quốc hội sẽ phê duyệt Luật Xây dựng sửa đổi vào năm 2014.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: