Top

Vẫn còn tình trạng "xâm phạm" đất lúa

Cập nhật 01/07/2013 11:09

Báo cáo Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, nhiều địa phương còn sử dụng đất chuyên trồng lúa để xây dựng các khu công nghiệp dẫn đến nhiều hộ nông dân thiếu đất hoặc không có đất để sản xuất.

Vẫn còn địa phương sử dụng đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp. Ảnh Internet.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, việc quy hoạch để chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang mục đích khác chưa được tính toán kỹ lưỡng, do đó vẫn còn tình trạng dân không có đất để sản xuất.

Theo kết quả tổng hợp từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 31-12-2012 kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia như sau: Nhóm đất nông nghiệp cả nước có 26.404.486 ha,  trong đó đất trồng lúa là 4.053.338 ha (riêng đất chuyên trồng lúa nước 3.184.291 ha).

Cụ thể, số diện tích chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp 2 năm 2011 và 2012 là 21.150 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất trồng cây lâu năm là 8.273 ha; Đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất lâm nghiệp là 3.351 ha; Đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất nuôi trồng thuỷ sản là 2.793 ha.

Cũng theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong 2 năm 2011 và 2012 cả nước đã khai thác đưa vào sử dụng 387.704 ha đất cho các mục đích nông nghiệp và phi nông nghiệp; hiện nay cả nước còn 2.466.913 ha đất chưa sử dụng.

Nguyên nhân của những tồn tại trên được chỉ ra là do hiện nay vẫn còn thiếu một số quy định, hướng dẫn triển khai như quy trình chuẩn lập quy hoạch sử dụng đất, định mức sử dụng đất, kinh phí lập và triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tiêu chí thẩm định, hướng dẫn công khai, điều kiện và thủ tục hành nghề tư vấn quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Bên cạnh đó, việc quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được xét duyệt, chưa có chế tài đủ mạnh; tình trạng lấn chiếm đất, tự chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch chưa được phát hiện và xử lý kịp thời, dẫn đến khi thực hiện quy hoạch, chi phí bồi thường vượt quá dự kiến ban đầu. Quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền không tiến hành điều chỉnh hoặc huỷ bỏ quy hoạch đối với khu vực quy hoạch đã quá thời hạn 3 năm kể từ ngày công bố nhưng chưa thực hiện cũng là nguyên nhân gây hiện tượng "nhờn luật", làm gia tăng diện tích đất chưa đưa vào sử dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai, phát huy tốt tiềm năng, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, trong các tháng còn lại của năm 2013 sẽ thực hiện việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc chấp hành pháp luật đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của các địa phương. Đồng thời tập trung kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá các văn bản quy phạm pháp luật đất đai để tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; đôn đốc và theo dõi các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện và xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến quá trình áp dụng các văn bản pháp luật về đất đai.

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2025 cấp quốc gia, trong đó phải giữ đất trồng lúa đến năm 2020 là hơn 3,8 triệu ha để đảm bảo an ninh lương thực cũng như sinh kế của người nông dân.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, với đà giảm nhanh hiện nay nếu không có biện pháp quy hoạch, có kế hoạch sử dụng đất thật chặt chẽ, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm sai quy hoạch, sẽ khó đảm bảo giữ được 3,8 triệu ha đất lúa. Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, an ninh lương thực quốc gia là vấn đề cốt lõi, không chỉ đảm bảo đời sống cho đại đa số dân cư nông thôn mà còn đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội.

DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan