Ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng bất động sản là nội dung được nhấn mạnh ở các giải pháp được Bộ Xây dựng xác định cho thời gian tới.
Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương được nêu tại báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện tồn kho 42.230 căn nhà (gồm 26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng); 92.800 m2 sàn văn phòng cho thuê, 98.407 m2 sàn trung tâm thương mại, 7.922.485 m2 đất nền nhà ở và 951.033 m2 đất thương mại khác.
Ngay trước phiên giải trình do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức vào sáng nay (24/1) về thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, báo cáo về nội dung này của Bộ Xây dựng đã hoàn tất.
Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương được nêu tại báo cáo cho thấy, hiện tồn kho 42.230 căn nhà (gồm 26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng); 92.800 m2 sàn văn phòng cho thuê, 98.407 m2 sàn trung tâm thương mại, 7.922.485 m2 đất nền nhà ở và 951.033 m2 đất thương mại khác.
Giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng, Bộ Xây dựng ước tính đồng thời cũng nhấn mạnh số liệu này nhỏ hơn nhiều so với thực tế.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Nhà nước về dư nợ tín dụng bất động sản đến 31/10/2012 khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với thời điểm 31/12/2011, Bộ Xây dựng nói số liệu này chưa tính đến các khoản vay tiêu dùng khác nhưng thực chất được đầu tư vào bất động sản, cũng như dư nợ có tài sản bảo đảm bằng bất động sản còn chiếm khoảng 46,5% tổng dư nợ tín dụng.
Nợ xấu chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ bất động sản, nhưng đại đa số doanh nghiệp bất động sản khó có khả năng thanh toán khi đến hạn do không bán được sản phẩm, báo cáo đưa ra quan ngại.
Nhìn nhận nguyên nhân của tình trạng trầm lắng của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá, công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ động tham gia thị trường với tư cách chủ sở hữu đất đai và nhiều bất động sản, đồng thời chưa phát huy được vai trò định hướng, điều tiết vĩ mô và kiểm soát hoạt động của thị trường bất động sản, đặc biệt ở cấp địa phương.
Với các giải pháp đã và đang thực hiện, báo cáo chỉ ra một điểm tốt là giá nhà đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá năm 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.
Đáng chú ý hơn, ở các giải pháp trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết sẽ sửa các luật liên quan theo hướng mở rộng đối tượng và điều kiện mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Các dự án tồn kho nằm trong nhiều dự tính như điều chỉnh cơ cấu căn hộ diện tích quá lớn cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân.
Đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai công trình nhà ở thì cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động. Cho phép chuyển đổi các dự án nhà ở tồn kho không bán được sang các công trình dịch vụ đang có nhu cầu và phù hợp với quy hoạch như: bệnh viện, trường học, khách sạn, dịch vụ thương mại.
Liên quan đến tín dụng và giải quyết nợ xấu, báo cáo nêu rõ giải pháp hoàn thiện Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trong đó quan tâm đến nhóm giải pháp xử lý hàng tồn kho và kích thích thị trường bất động sản, ưu tiên xử lý nợ xấu có tài sản bảo đảm bằng bất động sản.
Trước đó, hàng loạt các giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: