Các chuyên gia cho rằng cần linh động ưu tiên giải ngân tạm ứng vốn cho TP.HCM tiếp tục triển khai dự án.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) lo giãn tiến độ, ngưng thi công vì thiếu vốn. ẢNH: PHẠM HỮU |
Hơn 160.000 tỉ đồng Kho bạc gửi ngân hàng, hơn 300.000 tỉ đồng Quỹ bảo hiểm xã hội lấy mua trái phiếu, liệu TP.HCM có thể dùng vào đó? Nếu Chính phủ còn bất cứ nguồn tiền nào có thể sử dụng, nên ưu tiên cho các dự án metro của TP.HCM Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ |
Trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua, TP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT ưu tiên giải ngân tạm ứng vốn để tiếp tục triển khai dự án và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu trong năm nay. Trong văn bản nêu rõ việc chậm thanh toán cho các nhà thầu có thể dẫn đến việc giãn tiến độ, thậm chí ngưng thi công.
Điều này có nguy cơ dẫn đến kiện tụng, tranh chấp và lãng phí vốn ODA do vẫn phải trả phí cam kết và phí thu xếp cho các hiệp định vay. Ngoài ra, chính quyền TP cũng bày tỏ lo ngại dự án bị chậm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước VN và Nhật Bản. Nguyên nhân là sử dụng không hiệu quả nguồn vốn tài trợ của Nhật Bản, ảnh hưởng đến khả năng tài trợ của nước này với các dự án ODA của VN trong tương lai.
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thông tin dự án đã ký kết được 3 hiệp định vay vốn từ Nhật Bản với hơn 31.200 tỉ đồng, giải ngân được gần 12.000 tỉ đồng, đạt 38%. Đến nay, dự án đã hoàn thành khoảng gần 50% khối lượng, không phát sinh thêm vốn. Tiến độ dự án hiện đang nhanh hơn so với kế hoạch đề ra. “Nếu không sớm được Quốc hội thông qua, hoàn thành thủ tục giải ngân bổ sung vốn từ ngân sách T.Ư, năm 2018, TP.HCM sẽ phải tiếp tục ứng vốn ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng để đảm bảo tiến độ dự án”, ông Tuyến lo ngại. Trước đó TP đã tạm ứng 1.173 tỉ đồng để chủ đầu tư trả tiền cho nhà thầu.
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công ĐH Fulbright VN, đánh giá tuyến metro số 1 là công trình phải xây dựng và hoàn thành. Việc TP liên tục phải “giật gấu vá vai” lo vốn cho dự án chỉ là giải pháp tạm thời để có thể xoay xở trong khoảng thời gian ngắn, không phải là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề. “TP.HCM đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhiều công trình giao thông, hạ tầng khác cũng cần nhanh chóng xây dựng, hoàn thành. Càng kéo dài dự án sẽ gây thiệt hại càng lớn với TP.HCM cũng như nền kinh tế chung của cả nước”, ông Du lo ngại.
Nên linh động ứng vốn
Đánh giá về sự chậm trễ trong việc hoàn thành các thủ tục giải ngân cho tuyến metro số 1, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico khẳng định đây là sơ suất khó chấp nhận, một dự án quan trọng và có tính cấp bách như vậy đáng ra phải nhanh chóng được đưa ra trình Quốc hội thông qua từ kỳ họp trước.
Thực tế dự án đã được đồng ý chủ trương triển khai xây dựng, hiện đã hoàn thành gần 50% khối lượng, chậm trễ 1 ngày thiệt hại lên đến cả tỉ đồng. Vì vậy không thể giải quyết cứng nhắc theo đúng thủ tục, trình tự như một dự án chưa triển khai. “Có trình lên Quốc hội thì cũng không ai có thể phản đối hay cho ngưng dự án. Vậy tại sao phải chờ? Tại sao không cho lấy ý kiến và phê duyệt bằng văn bản trước? Trong trường hợp bắt buộc phải hoàn thành thủ tục thì các đơn vị như Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cần nhanh chóng xác định thẩm quyền, triển khai tiến hành giải ngân vốn như bình thường để đảm bảo đúng tiến độ cho dự án”, luật sư Đức đề xuất và nhấn mạnh vấn đề của các tuyến metro hiện nay là kiểm tra, kiểm soát quá trình xây dựng sao cho chống thất thoát, tăng chi phí chứ không phải duyệt hay không duyệt.
Đồng tình, TS Huỳnh Thế Du cho rằng trong thời gian chờ dự án được đưa ra kỳ họp Quốc hội tới, Bộ Tài chính có thể linh hoạt rà soát lại tất cả các nguồn, tìm nguồn vốn cho TP.HCM ứng trước để đảm bảo tiếp tục triển khai dự án theo đúng kế hoạch. “Thực tế mức giải ngân đầu tư công năm vừa rồi không nhiều, Chính phủ hoàn toàn có khả năng để tìm nguồn vốn ứng trước cho TP”, ông Du nói.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cũng nhấn mạnh đối tác Nhật làm việc rất chuyên nghiệp và sòng phẳng, nếu VN tiếp tục chậm trễ, nguy cơ họ rút khỏi dự án là rất lớn. Ông gợi ý: “Hơn 160.000 tỉ đồng Kho bạc gửi ngân hàng, hơn 300.000 tỉ đồng Quỹ bảo hiểm xã hội lấy mua trái phiếu, liệu TP.HCM có thể dùng vào đó? Nếu Chính phủ còn bất cứ nguồn tiền nào có thể sử dụng, nên ưu tiên cho các dự án metro của TP.HCM”.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: