Hà Nội vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng để cơ quan này tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư. Hiện, trên toàn địa bàn TP Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ có quy mô 2-5 tầng, trong đó 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư độc lập. Lý giải cho việc gần như giậm chân tại chỗ trong việc cải tạo, xây mới các chung cư cũ trên địa bàn, Hà Nội cho rằng do bị “vướng” quy định của Luật Nhà ở năm 2014 nên không làm nhanh được.
Nhiều chung cư cũ của Hà Nội cần được cải tạo, xây mới
|
Theo đó, TP Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho cơ chế đặc thù trong việc cải tạo chung cư cũ (CCC), tức là không phải chấp hành quy định ở một số điều khoản của Luật Nhà ở. Cụ thể, Hà Nội muốn Chính phủ cho phép cưỡng chế phá dỡ nhà chung cư chưa thuộc diện nguy hiểm, hay thuộc diện quy hoạch để xây dựng công trình khác. Hà Nội cũng xin được Chính phủ cho quyền chỉ định chủ đầu tư để tiến độ cải tạo CCC trên địa bàn thành phố triển khai nhanh hơn.
Tại Điểm b, Khoản 2, Điều 99, Luật Nhà ở quy định, chỉ phá dỡ những chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh phải có kết luận kiểm định chất lượng, đồng thời UBND cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản cho chủ sở hữu nhà ở, nội dung văn bản phải được công khai trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan này và trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương. Nếu chủ sở hữu nhà ở chây ỳ không bàn giao thì có thể tổ chức cưỡng chế.
Theo Báo cáo của Hà Nội thì hiện thành phố chỉ có 6 chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm, có nguy cơ đổ sập (cấp độ D), gồm: Đơn nguyên 1 chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ; nhà chung cư C1 khu tập thể Thành Công, phường Thành Công; đơn nguyên 3, nhà C8 tập thể Giảng Võ, phường Giảng Võ; đơn nguyên 1, 2 nhà GA6A, phường Thành Công; đơn nguyên 1 nhà A Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh; đơn nguyên 1, 3 tập thể Bộ Tư pháp, phường Cống Vị. Chiếu theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 99, Luật Nhà ở thì những chung cư còn lại không được phép cưỡng chế phá dỡ khi tất cả chủ sở hữu không đồng thuận.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, việc tiến hành cải tạo, xây mới CCC tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn; dẫn đến tiến độ cải tạo, xây mới CCC rất chậm. Song, ngay cả 6 chung cư nguy hiểm cấp độ D mà Hà Nội đã liệt kê trong báo cáo gửi Bộ Xây dựng trình Thủ tướng thì đến thời điểm này cũng chưa thể hoàn thành việc xây mới, dù theo quy định của luật là được phép cưỡng chế nếu chủ sở hữu chây ỳ không bàn giao. Nhiều chuyên gia về bất động sản cho rằng, sở dĩ các chung cư nguy hiểm cấp độ D chưa thể di dời dân và xây mới là vì sau khi các doanh nghiệp “cân, đo, đong, đếm” thấy không có lãi khủng nên không mặn mà.
Chỉ có 6 chung cư nguy hiểm cấp độ D mà vẫn chưa lo xong, lại càng cho thấy đối với hàng loạt CCC khác vấn đề sẽ rất nan giải. Vì thế, việc thành phố muốn xin Thủ tướng cho quyền cưỡng chế đối với những chung cư khác là thiếu thuyết phục. Theo quy định tại Khoản 3, Điều 110, Luật Nhà ở, nếu chung cư không thuộc diện nguy hiểm có nguy cơ đổ sập, không thuộc diện thu hồi đất phục vụ dự án khác theo quy hoạch thì muốn phá dỡ phải được sự đồng thuận của tất cả chủ sở hữu. Nay có nhiều CCC chưa thuộc diện nguy hiểm nhưng lại đang nằm trên “đất vàng” mà nhiều doanh nghiệp đã nhòm ngó, nên việc “ứng xử” thế nào lại càng phải rất cân nhắc. Tất nhiên, việc đề nghị là của Hà Nội, còn có quyết hay không lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Song, một đề xuất như vậy cũng không khỏi khiến dư luận băn khoăn.
Nhắc lại, trong một số kiến nghị, Hà Nội còn xin được chỉ định chủ đầu tư cải tạo, xây mới các chung cư cũ để “khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa”, trong trường hợp các chủ sở hữu không lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định. Đồng thời đề nghị được chủ động quyết định việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch về dân số, tầng cao công trình khi cải tạo, xây mới chung cư cũ tại khu vực nội đô, thay vì khi thực hiện mỗi dự án lại một lần đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận. Việc này cũng khiến dư luận đặt câu hỏi: Vì sao không mời thầu theo quy định mà lại xin chỉ định doanh nghiệp làm chủ đầu tư? Câu hỏi cũng là sự hoài nghi ấy xuất phát từ thực tế không ít vụ việc đã bị phanh phui khi có sự “bắt tay” để trục lợi.
Tất nhiên, ai cũng muốn Hà Nội đẹp hơn lên, chí ít là ở cảnh quan đô thị, với những khu chung cư cao tầng hiện đại, những kiến trúc mà vẻ đẹp của nó tồn tại lâu dài với thời gian. Nhưng, với CCC, rất cần sự ứng xử thận trọng, vì rằng nơi đó có rất nhiều người sinh sống. vả lại, vị trí của nó hiện thời đúng là “vàng” khi mà nội đô gần như đã hết những diện tích đất rộng rãi để xây mới.
DiaOcOnline.vn - theo Đại Đoàn Kết
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: