Top

UBND TP. Hồ Chí Minh: Đồng ý đề xuất phát triển nhà ở xã hội

Cập nhật 24/03/2017 09:08

Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020 là 39 dự án, quy mô 45.000 căn hộ.
Đầu tư dự án nhà ở thương mại phục vụ TĐC tại khu X2 Đại Kim, Hoàng Mai


UBND TP. Hồ Chí Minh vừa có Công văn số 3095/VP-ĐT ngày 20/3/2017  chỉ đạo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu ý kiến đề xuất của Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) về cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ trên địa bàn thành phố thời gian tới.

Theo đó, sau khi nghiên cứu đề xuất của HoREA, Sở Xây dựng tham mưu xử lý phù hợp với tình hình thực tiễn của thành phố và báo cáo chi tiết  để UBND thành phố xem xét chỉ đạo.

Theo HoREA, hiện nay, thành phố đang rất thiếu nhà ở xã hội và căn hộ thương mại cho thuê giá rẻ (giá thuê từ 1 triệu - 3 triệu đồng/tháng). Ký túc xá các trường đại học và các khu lưu trú công nhân do Ban quản lý Khu công nghệ cao, DN đầu tư xây dựng mới chỉ giải quyết nhu cầu chỗ ở khoảng 13%, còn lại 87% nhu cầu chỗ ở do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư khu nhà trọ, phòng trọ tạm bợ rồi cho thuê, phần lớn không đủ tiện ích, không đảm bảo an toàn.

Ảnh minh họa

Dự báo, nhu cầu nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà cho thuê tại thành phố 10 năm tới lên đến 1 triệu căn. Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020 là 39 dự án, quy mô 45.000 căn hộ. Đến năm 2020, sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn, trong đó có 20% dành để cho thuê, 60% bán trả góp dài hạn, 20% dành cho chủ đầu tư bán thương mại để bù đắp chi phí.

Sở Xây dựng đã xây dựng quy trình phối hợp với Bộ Xây dựng, các sở, ngành, quận, huyện theo cơ chế một cửa liên thông để giảm thời gian làm 3 thủ tục hành chính của dự án nhà ở từ thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật đến cấp phép xây dựng từ 75 ngày xuống còn 42 ngày. Đồng thời, từ nay đến năm 2020, thành phố xây dựng lại hoặc sửa chữa nâng cấp tối thiểu 50% trong tổng số 473 chung cư cũ đã được xây dựng từ trước năm 1975, với tổng số 35.000 căn hộ mới.

Về khả năng phát triển căn hộ nhà ở xã hội 30m2, giá bán 100 triệu - 200 triệu đồng/căn (theo mô hình của tỉnh Bình Dương), TP. Hồ Chí Minh có thể làm được tại một số khu vực đã có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông, cạnh các khu công nghiệp, nơi làm việc đã có dịch vụ tiện ích cơ bản như trường học, nhà trẻ, bệnh viện, công viên có nền địa chất vững chắc.

Vị trí tại Khu chế xuất Linh Trung I, II, III (326 ha), Khu công nghệ cao (913 ha), Công viên phần mềm Quang Trung (43 ha), Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh (647 ha), Khu chế xuất Tân Thuận (320 ha). Với quỹ đất nêu trên, TP. Hồ Chí Minh có thể làm được khoảng 10.000 căn hộ nhà ở xã hội 30m2, giá bán 100 triệu - 200 triệu đồng/căn.

Tuy nhiên, sẽ chỉ có khoảng 10.000 người mua được nhà (khoảng 1% người có nhu cầu). Như vậy, với đa số công nhân, người thu nhập thấp, người nhập cư sẽ không còn loại nhà này để mua, nên chưa đảm bảo công bằng và chưa giải quyết được nhu cầu rất lớn của xã hội, trong khi việc phát triển nhiều căn hộ nhà ở xã hội cho thuê (diện tích từ 25m2 - 50m2/căn) sẽ phù hợp nhu cầu thực tế hơn.

Đối với các ban, ngành chức năng và địa phương phải xác định, phát triển nhà ở xã hội là một nhiệm vụ chính trị để có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, đảm bảo điều kiện hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Thực hiện phương thức xã hội hóa, có giải pháp hỗ trợ, thu hút DN BĐS, DN sử dụng nhiều lao động và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ, nhà cho thuê trên địa bàn. Các Bộ, Ngành (Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước…) nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ…

Với Công văn chỉ đạo của UBND thành phố này xem như cửa đã mở cho DN tham gia đầu tư vào nhà ở xã hội.


DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng