Top

Tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi: Sớm gỡ bỏ những vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ

Cập nhật 21/03/2018 14:21

Theo dự kiến, toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối tháng 6-2018. Hiện nay, tuyến đường qua địa phận tỉnh Quảng Nam đang được khẩn trương xây dựng nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập khi người dân liên tiếp tập trung phản đối, ngăn cản đơn vị thi công. Ngày 20-3, tình trạng trên tiếp tục tiếp diễn tại xã Tam Đại (H. Phú Ninh).

Tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh Quảng Nam còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Theo trình bày của anh Nguyễn Văn Diệu (59 tuổi, trú xã Tam Đại), gia đình anh tập trung phản đối đơn vị thi công để đòi quyền lợi chính đáng của mình. Bởi, khi tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi được đầu tư xây dựng gia đình anh có tổng cộng 2.300m2 đất được giải phóng đền bù. Tuy nhiên, số đất được cấp lại là 500m2 không đủ để xây nhà mới. “Gia đình tôi có tổng cộng 4 cặp vợ chồng nhưng với hai lô đất được cấp mới gồm một lô 300m2 và một lô 200m2 thì không thể đủ để xây nhà. Không những vậy, về khu tái định cư mới cuộc sống cũng không đảm bảo khi ở đó nước rất nhiều phèn không thể sử dụng được”, anh Diệu cho biết. Cũng theo anh Diệu, ngoài những bất cập trên, việc thi công tuyến cao tốc còn khiến khu đất sản xuất của anh bị “cô lập”, không có đường dẫn vào. “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng sau đó tỉnh, huyện cũng đã có các cuộc đối thoại nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết thỏa đáng. Vì thế, rất mong đơn vị thi công sớm giải quyết để tuyến đường có thể hoàn thành đúng tiến độ mà người dân cũng có thể yên tâm, ổn định cuộc sống”, anh Diệu mong muốn.

Tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và đền bù thỏa đáng cho hầu hết các hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện đoạn qua xã Tam Đại vẫn còn 5 hộ dân chưa tìm được tiếng nói chung với đơn vị thi công. Theo ông Huỳnh Lợi (trú xã Tam Đại) việc thi công tuyến đường buộc phải di dời tuyến điện cao áp để khai thông mặt bằng nhưng điều đó vô tình đưa hành lang điện sát với nhà và xưởng cưa của ông. “Sau khi tôi kiến nghị, các đơn vị cũng đã có văn bản cam kết sẽ di dời trước tháng 12-2016 nhưng thực tế hiện vẫn chưa chịu di dời. Điều đó là xem thường người dân nên tôi chưa thể để đơn vị thi công đường được”, ông Lợi giải thích.

Cạnh đó, nhiều hộ dân cũng cho biết, ở khu tái định cư mới vấn đề nước sạch không được đảm bảo, người dân phải đi mua nước về sử dụng hằng ngày vì nguồn nước tại đây bị nhiễm phèn. Nhiều vướng mắc tồn tại khác như về công địa xây dựng thuộc tuyến chính không còn; chưa có đường gom, đường ngang dân sinh cho người dân đi lại...

Cũng trong sáng 20-3, chính quyền xã Tam Đại, CAH Phú Ninh đã đến địa điểm thi công vận động người dân không làm cản trở tiến độ thi công công trình. Trung tá Nguyễn Quốc Hòa- Phó trưởng CAH Phú Ninh cho hay, việc người dân tập trung phản đối thi công thường xuyên xảy ra nhiều năm qua. Các cuộc họp cũng được tổ chức nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để. “Trước mắt chúng tôi đã nắm nguyện vọng của người dân và sẽ kiến nghị tổ chức thêm những cuộc đối thoại nhằm sớm giải quyết vấn đề. Để việc thi công không bị gián đoạn, chúng tôi cũng sẽ tuyên truyền, vận động người dân không tự ý cản trở thi công làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình”, Trung tá Hòa trao đổi.

Người dân tập trung ngăn cản đơn vị thi công.

Được biết, Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi do Tổng Cty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư có tổng chiều dài toàn tuyến là 139.204km. Trong đó, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam là 91,2km chạy qua các huyện, thị xã, TP gồm: Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ và Núi Thành. Mới đây, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho hay, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực gỡ bỏ những vướng mắc, bất cập để đảm bảo cho tuyến đường cao tốc được hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ dự kiến. Về những tồn tại đang diễn ra khi người dân liên tục ngăn cản đơn vị thi công, UBND tỉnh cũng đã có những chỉ đạo cho từng địa phương tập trung rà soát, xử lý, giải quyết dứt điểm để không làm vỡ kế hoạch, giúp đơn vị thi công hoàn thành nhiệm vụ và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.


DiaOcOnline.vn – Theo CADN online