Top

Từ 2011-2015: Hà Nội tập trung đầu tư 93 dự án trọng điểm

Cập nhật 10/11/2011 11:35

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, những công trình, dự án trọng điểm trên sẽ là những công trình được TP ưu tiên để tập trung hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó, TP sẽ lập danh sách với cơ chế ưu tiên huy động vốn cụ thể, đồng thời cân nhắc dự án có tính khả thi cao để thực hiện.

Thông tin trên được Chủ tịch nêu ra trong phiên họp Tập thể UBND TP chiều 9/11, nhằm đóng góp ý kiến cho Tờ trình về danh mục các dự án trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015.

TP cần triển khai trên 1000 dự án đầu tư xây dựng cơ bản

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT, trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến cần triển khai trên 1.000 dự án đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) do TP quản lý với tổng mức đầu tư khoảng 569.114 tỷ đồng (trong đó có khoảng 500 dự án chuyển tiếp) với tổng nhu cầu vốn của giai đoạn này để triển khai thực hiện là 389.400 tỷ đồng. Trong đó, có 446 dự án thuộc lĩnh vực phát triển giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị; 11 dự án thuộc lĩnh vực phát triển văn hóa xã hội; 306 dự án thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn; 15 dự án thuộc lĩnh vực phát triển khoa học công nghệ - thông tin và truyền thông; 35 dự án thuộc lĩnh vực an ninh – quốc phòng và nội chính.

Ngoài ra, dự kiến trong giai đoạn 2011-2015, nhu cầu đầu tư cho các dự án cải tạo, nâng cấp, xây mới hạ tầng kỹ thuật và xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện theo phân cấp lên tới gần 86.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dự kiến nguồn vốn từ nguồn ngân sách tập trung của giai đoạn 2011-2015 của TP Hà Nội có thể cân đối cho chi đầu tư XDCB sẽ là khoảng 44.000 tỷ đồng. Với điều kiện tăng cường khai thác nguồn thu từ nhà, đất và từ triển khai các hình thức đầu tư BT, BOT, dự kiến trong 5 năm TP sẽ có khoảng 259.000 tỷ đồng cho đầu tư XDCB.

Bên cạnh đó, với điều kiện huy động và giải ngân tốt các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo hiệp định đã được phê duyệt, dự kiến có gần 56.000 tỷ đồng vốn ngoài nước để triển khai các dự án đầu tư XDCB. Các nguồn thu khác và huy động của ngân sách địa phương có thể đạt được khoảng 10.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng khả năng cân đối và huy động của ngân sách TP trong 5 năm 2011-2015 dự kiến có thể ở mức 370.000 tỷ đồng.

Hà Nội sẽ ưu tiên hàng đầu cho các dự án phát triển hạ tầng giao thông.

Ưu tiên bố trí vốn cho 93 dự án đầu tư trọng điểm

Trên cơ sở tổng hợp nghiên cứu các tiêu chí cụ thể của Trung ương và TP, Sở KHĐT đã tổng hợp và dự kiến trình HĐND TP danh mục 93 dự án đầu tư trọng điểm của giai đoạn 2011-2015, trong đó: có 57 dự án giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư là 276.715 tỷ đồng; 10 dự án trọng điểm trong lĩnh vực cải thiện môi trường và thoát nước với tổng mức đầu tư là 25.262 tỷ đồng; 17 dự án văn hóa – xã hội trọng điểm với tổng mức đầu tư là 14.471 tỷ đồng; 09 dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn trọng điểm với tổng mức đầu tư là 28.157 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nhu cầu vốn của các dự án trọng điểm trong 5 năm 2011-2015 là 227.696 tỷ đồng, bằng khoảng 61% tổng khả năng cân đối và huy động của ngân sách TP. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm trực tiếp từ ngân sách địa phương (không tính phần có thể huy động được từ các dự án BT) là 52.390 tỷ đồng, bằng khoảng 36% tổng nguồn vốn dự kiến cân đối được của ngân sách TP trong 5 năm.

Các dự án trọng điểm là các dự án quy mô lớn trong các lĩnh vực đã được xác định là khâu đột phá, nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng của Thủ đô, việc triển khai thực hiện và hoàn thành đưa vào sử dụng các dự án này sẽ có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đó cũng là các dự án cần được tập trung chỉ đạo và đầu tư dứt điểm để hoàn thành và cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015.

Tham luận tại cuộc họp, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với danh mục các dự án trọng điểm của TP giai đoạn 2011-2015 do Sở KH&ĐT dự thảo. Đóng góp cho các tiêu chí lựa chọn các danh mục dự án trọng điểm, các đại biểu cho rằng đối với lĩnh vực phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị cần tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông có tính chất quyết định để giải quyết ùn tắc giao thông. Cùng với đó là các dự án xử lý nước thải, rác thải tập trung có tính chất quan trọng, từng bước cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường; Các dự án thoát nước trọng điểm tại khu vực nội thành và các khu đô thị phát triển; Các dự án xây dựng cơ sở hỏa táng phục vụ khu vực phía Bắc và phía Nam TP.

Theo các đại biểu, đối với lĩnh vực phát triển văn hóa – xã hội, tiêu chí lựa chọn sẽ là các dự án đầu tư đồng bộ và hiện đại cho các bệnh viện tuyến thành phố và các bệnh viện tuyến huyện, các dự án xây dựng cơ sở đào tạo, học tập cho thanh thiếu niên Thủ đô. Bên cạnh đó, ở lĩnh vực phát triển nông nghiệp và nông thôn sẽ là các dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp công trình thủy lợi đầu mối phục vụ tưới, tiêu.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đồng tình với các ý kiến thảo luận về việc TP cần tập trung vào các dự án trọng điểm về: giao thông, cấp thoát nước đô thị, hệ thống thủy lợi, tưới tiêu, những công trình về vệ sinh môi trường, công trình xử lý chất thải rắn, đốt rác, tái chế rác, công trình xử lý môi trường sông hồ đang bị ô nhiễm nặng, điện lực, thông tin truyền thông. Bên cạnh đó, TP cũng cần tập trung xây dựng những bệnh viện nhỏ tại tuyến huyện để tránh tình trạng quá tải hiện nay; cùng với đó là ưu tiên cho các dự án xây dựng nghĩa trang, trường học, trụ sở phòng cháy chữa cháy…

Bên cạnh đó, Chủ tịch cũng yêu cầu trên cơ sở đóng góp ý kiến các ngành tại cuộc họp, Sở KHĐT rà soát tất cả lại các danh mục sau đó sắp xếp thứ tự để ưu tiên những dự án trọng điểm, cần thiết trước; kèm theo mỗi dự án trọng điểm phải có báo cáo về tổng nguồn vốn đầu tư, phân bổ nguồn vốn và kiến nghị, giải pháp cụ thể để huy động nguồn.

Hơn nữa, Chủ tịch cũng nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XV đã xác định khâu đột phá trong phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2011-2015 là: “Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại”, nên khi lập danh sách cần ưu tiên cho các dự án về kết cấu hạ tầng kỹ thuật của đô thị và nông thôn để khắc phục nhu cầu bức xúc hiện nay, tạo bước đột phá như Đại hội đã đề ra, phần đấu đưa Thủ đô phát triển bền vững.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới