Top

Trở lực lớn với “vốn mồi”

Cập nhật 05/10/2015 10:37

Ông Marc Towsend – TGĐ CBRE Việt Nam, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ đầu tháng 7/2015 đã tác động đến cả hoạt động đầu tư thương mại nước ngoài tại Việt Nam.


Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ đầu tháng 7/2015 đã tác động đến cả hoạt động đầu tư thương mại nước ngoài tại Việt Nam

Người nước ngoài đang có tâm lý lạc quan vào thị trường bất động sản thương mại. Trên thực tế, sau 1 tháng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực, theo ước tính của Cty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland), Việt kiều mua căn hộ trong các dự án do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư chiếm tới 10% tổng lượng giao dịch. Các hợp đồng mua căn hộ của Việt kiều đa phần tập trung vào các chung cư cao cấp có vị trí đắc địa. Tương tự, từ đầu tháng 7 đến ngày 8/8/2015, Cty Phú Mỹ Hưng cũng đã ghi nhận hơn 100 trường hợp giao dịch của Việt kiều và người nước ngoài.

Nhìn rộng hơn những con số thống kê đó vẫn khá khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu thực tế của thị trường BĐS Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, trong đó có hơn 2 triệu người tại Mỹ. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 80.000 người Hàn Quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam. Đó là chưa kể riêng tại TP.HCM đã có khoảng 30.000 nhà quản lý và các chuyên gia đang làm việc với nhu cầu mua nhà rất lớn.

TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, phân tích với khoảng 4,5 triệu kiều bào, trong đó có khoảng 500.000 người đang có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam để sống những năm tháng tuổi già. Điều đáng lưu tâm hơn nữa là tổng thu nhập của Việt kiều lên tới khoảng 100 tỉ USD và đây là phân khúc lớn.

Tại hội thảo mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam ông Trần Hòa Phương – Phó Chủ tịch Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM đã chỉ ra 5 nút thắt khiến cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam gặp khó khăn. Một là, chậm triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014. Hai là, thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa, vẫn còn giấy này đòi phải đi kèm với các giấy “con” khác; Ba là, quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án BĐS là kiều bào vẫn chưa có; Bốn là, cơ sở dữ liệu yếu; Năm là, phương thức thanh toán cứng nhắc, tức là chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà nhưng chưa được phép chuyển ra nước ngoài lại sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở.

Rõ ràng, sự biến động của tỷ giá sẽ có tác động kích cầu dòng tiền này vào thị trường BĐS. Trong bối cảnh hiện nay động lực từ tăng tỷ giá chưa vượt qua được áp lực rào cản thị trường. Chất xúc tác đã có nhưng điều các nhà đầu tư nước ngoài, Việt kiều quan tâm hơn cả đó chính là các điều kiện pháp lý cần phải thông thoáng hơn nữa khi quyết định đầu tư vào BĐS tại Việt Nam.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN