Top

Tránh mắc 'bẫy' hạ tầng khi đầu tư bất động sản

Cập nhật 12/10/2017 08:46

Những thông tin như Hà Nội xây dựng thêm cầu bắc qua sông Hồng, một số huyện nâng cấp lên quận... khiến thị trường bất động sản "xôn xao". Tuy nhiên, giá nhà đất có thực sự sốt hay đây chỉ là chiêu trò hâm nóng thị trường của giới cò mồi?

Bất động sản "ăn theo" hạ tầng

Hồi tháng 9, TP Hà Nội đã có đề xuất Chính phủ xây dựng 6 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống gồm: Tứ Liên, Thượng Cát, Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Trần Hưng Đạo, cầu Đuống 2 và Giang Biên với tổng mức đầu tư gần 57.000 tỷ đồng, tương đương 2,6 tỷ USD.


Cầu Đông Trù nối quận Long Biên với huyện Đông Anh.

Những cây cầu này đều nằm ở phía Đông và Đông Bắc thành phố, thể hiện chủ trương phát triển sang phía Đông bên kia sông Hồng (khu vực các quận huyện Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh). Thông tin này ngay lập tức tác động đến thị trường bất động sản (BĐS).

Cụ thể, khảo sát thị trường cho thấy giá đất nền tại các dự án khu vực phía Đông đã "nhúc nhích" đi lên. Các môi giới thì luôn dựa vào thông tin những cây cầu này để chứng minh cho sức nóng của thị trường BĐS khu vực Gia Lâm, Long Biên, khuyên khách mua sớm để đầu tư. Các dự án BĐS khu vực Long Biên, Đông Anh xuất hiện ngày một nhiều.

Trao đổi với phóng viên Tin Tức tại họp báo thị trường BĐS Hà Nội quý 3, bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết: Hạ tầng giao thông khu vực phía Đông Hà Nội đang được cải thiện nhiều, không chỉ có cầu Đông Trù mà các cây cầu đang được quy hoạch sẽ mở ra cả một khu vực hạ tầng phát triển.

Theo nghiên cứu của Savills thì lõi đô thị mở rộng của Hà Nội bao gồm cả Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh... nên việc các khu vực này ngày càng phát triển là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, khách hàng cần chờ đợi những điều kiện hội tụ đủ hơn nữa về hạ tầng, trường học hoặc bệnh viện như khu vực phía Tây đang có.

"Trước đây, khi BĐS Hà Nội phát triển sang phía Tây (khu Mỹ Đình, Từ Liêm), nhiều người cũng hoài nghi rằng đây có thực sự là xu hướng. Cũng phải mất đến chục năm mới có thể có một khu phía Tây phát triển như ngày hôm nay. Do đó khu phía Đông không thể một sớm một chiều mà phát triển ngay được, cần có thời gian. Phía Đông hiện đã có đường đẹp nhưng chưa đủ. Cần thêm các yếu tố về tiện ích xã hội", bà Hằng phân tích.

Không nên đầu tư theo kiểu đám đông

Theo chuyên gia nghiên cứu của Savills, bao giờ cũng vậy, nhà đầu tư cần thận trọng, tham khảo tất cả các thông tin được chủ đầu tư hay môi giới đưa ra. Nhiều nhà đầu tư có tâm lí đám đông, đổ xô mua do sợ quá muộn, mất cơ hội. Nhưng quá khứ đã cho ta bài học. Đầu tư đám đông rồi phải chờ đợi rất lâu không bán được vì từ kế hoạch đến hiện thực còn khoảng cách xa.

"Tưởng là sốt ngay nhưng không phải, hoặc là có sốt đấy nhưng sốt ảo. Bao giờ cũng cần hết sức cẩn trọng. Thông tin quy hoạch xây cầu nhưng cần tìm hiểu xem khu vực định đầu tư có nằm trong quy hoạch gì khác hay không, không phải cứ có cầu bắc đến là sẽ phát triển. Còn xem xét yếu tố pháp lí, triển vọng của khu vực đó nữa", bà Hằng khuyến cáo.


Tránh đầu tư BĐS theo đám đông để tránh ôm cục nợ. Trong ảnh: Một dự án biệt thự bỏ hoang tại Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN

Thực tế trên thị trường BĐS Hà Nội hiện nay, còn có thông tin các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Hoài Đức lên quận. Điều này cũng tác động đến giá đất, chung cư tại các khu vực này. Chẳng hạn, tại khu vực Hoài Đức, Thạch Thất, giá đất nền đã tăng 20-30% so với đầu năm do thông tin "lên quận".

Theo bà Đỗ Thu Hằng, việc một số khu vực có giá tăng là do bản thân khu vực đó được đầu tư đồng bộ, bài bản, tạo sức hút với người mua. Nhà đầu tư không nên nóng vội và "không thể trở thành tỷ phú qua một đêm như ngày xưa".

Phân tích kĩ hơn, bà Hằng cho biết, tại Hoài Đức có những dự án lên đến cả 500 ha, tồn từ quá khứ, để hoang nhiều năm. Nếu mua sẽ đối mặt với việc hạ tầng chưa đồng bộ, dự án tiếp tục để hoang. Tăng giá có thể ở đất thổ cư còn với đất dự án phải cẩn trọng.

Như vậy, rõ ràng các nhà đầu tư cần căn cứ vào nhiều yếu tố và không chạy theo tâm lí đám đông khi quyết định đầu tư BĐS để tránh phải "ôm cục nợ".

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Tin Tức