- Ông Nguyễn Danh Huy - vụ trưởng Vụ đối tác công tư (PPP), Bộ GTVT - cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về "trắc trở" của dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Công nhân thi công tại điểm đầu của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Không phải hạ thấp rồi tăng lên
* Theo hợp đồng dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, lãi suất vốn vay của dự án lên tới 6.516 tỉ đồng (tăng khoảng 3.082 tỉ đồng so với tính toán ban đầu). Nguyên nhân nằm ở đâu, thưa ông?
Ông Nguyễn Danh Huy - Ảnh: T.P. |
- Khi ký hợp đồng BOT dự án, thông tư 55/2016 của Bộ Tài chính quy định: lãi suất vốn vay của dự án không vượt quá 1,3 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) có kỳ hạn 10 năm phát hành dưới phương thức đấu thầu.
Thời điểm này, lãi suất TPCP so với lãi suất vay ngân hàng gần giống nhau nên mức lãi suất 9,17% trong hợp đồng BOT là phù hợp.
Tuy nhiên, do lãi suất trái phiếu chính phủ giảm mạnh, mặc dù đến tháng 7-2017, Bộ Tài chính ban hành thông tư 75/2017 sửa đổi thông tư 55/2016 và quy định lãi suất vốn vay của dự án như Trung Lương - Mỹ Thuận không vượt quá 1,5 lần mức bình quân đơn giản của lãi suất trúng thầu TPCP có kỳ hạn tương ứng với thời gian thực hiện hợp đồng dự án thì lãi suất thực tế (nhà đầu tư vay vốn với lãi suất 10,83%/năm ) vẫn cao hơn rất nhiều so với quy định (tối đa không vượt quá 1,5 lần TPCP cùng kỳ hạn tức là khoảng 7,83%).
Thị trường biến động. Trong khi lãi suất thực tế của ngân hàng tăng, nhà đầu tư vay vốn với lãi suất 10,83%/năm, lãi suất TPCP kỳ hạn 20 năm là 5,22%/năm, 30 năm chỉ 5,42%/năm.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được các ngân hàng ký hợp đồng vay vốn nhưng đến nay họ ngại giải ngân vì lãi suất vốn vay của hợp đồng dự án thấp hơn lãi suất vay thực tế.
Như vậy trong thực tế xảy ra bất cập chứ không phải lãi suất trong hợp đồng dự án đưa ra mức thấp rồi xin tăng lên.
Tại thời điểm đầu pháp luật phù hợp thực tiễn nhưng sau đó không phù hợp nữa. Đây là bất cập chính sách pháp luật chúng ta ban hành chưa phù hợp với cơ chế thị trường lắm, cần điều chỉnh.
Do lãi suất trái phiếu thấp quá
* Có những ý kiến cho rằng hợp đồng BOT đưa ra mức lãi suất thấp rồi nâng lên theo thực tế. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã chốt phương án tài chính, nay điều chỉnh theo lãi suất thực tế sẽ tạo tiền lệ cho những dự án khác?
- Không có chuyện lúc lập dự án đưa mức lãi suất thấp rồi sau đó xin nâng lên để tăng vốn cho dự án.
Nguyên tắc khi lập dự án phải tuân thủ quy định pháp luật tại thời điểm đó, khi ký hợp đồng cũng tuân thủ quy định của pháp luật.
Tại thời điểm đó thông tư 55 vẫn quy định lãi suất như thế thì không ai có quyền nâng lên hạ xuống. Nếu ai nâng lên hay hạ xuống là vi phạm pháp luật.
Lãi suất vốn vay của dự án tính theo hợp đồng là 9,17%. Nhưng đến nay, do lãi suất TPCP xuống quá thấp nên lãi suất tối đa về vốn vay dự án chỉ còn 7,5%.
Nếu điều chỉnh lãi suất theo thị trường khoảng 10,8% thì tăng thêm 0,9% so với lãi suất theo hợp đồng BOT.
Mức tăng này không lớn so với mức tính toán tại thời điểm ký hợp đồng. Nhưng nếu áp dụng quy định pháp luật lúc đó cho thời điểm hiện nay thì theo tính toán sau 5 năm nhà đầu tư bị phá sản, mất toàn bộ vốn chủ sở hữu vì nhà đầu tư phải bù lãi suất chênh lệch.
Do vậy ngân hàng quan ngại không giải ngân vốn cho dự án. Việc này không chỉ ở dự án này mà các dự án BOT triển khai sắp tới.
* Bộ GTVT đã có kiến nghị gì để tháo gỡ vướng mắc cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trong khi lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo phải hoàn thành vào năm 2020?
- Thường trực Chính phủ đã họp về dự án này và giao Bộ Tài chính có phương án giải quyết, Bộ Tài chính đã báo cáo Thường trực Chính phủ và Thường trực Chính phủ giao Bộ GTVT đánh giá lại tổng thể dự án một lần nữa rồi báo cáo lên Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Dự kiến trong tuần tới sẽ có báo cáo tại cuộc họp do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Hiện Bộ Tài chính đang sửa thông tư 75 theo hướng lãi suất cho vay dự án BOT bằng mức trung bình của các ngân hàng, phù hợp với lãi suất thị trường.
Còn các dự án BOT đã ký hợp đồng trước đó có hồi tố hay không thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên phải xin ý kiến của Chính phủ.
* Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được hỗ trợ bằng quyền thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Nhưng theo quy định mới, sẽ đấu giá quyền khai thác. Nếu nhà đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không được thu phí, họ có vỡ phương án tài chính?
- Trước đây Chính phủ hỗ trợ nhà đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận bằng quyền thu phí cao tốc TP HCM - Trung Lương. Bây giờ theo quy định luật quản lý tài sản công cần rà soát lại. Nếu không hỗ trợ thì dự án không khả thi về tài chính.
TS Hoàng Ngọc Giao (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách, pháp luật và phát triển):
Cần tăng vốn tự có của chủ đầu tư
Đầu tư theo phương thức BOT vẫn còn bất cập dẫn tới triển khai gặp khó khăn, gây hệ lụy cho chủ đầu tư, Nhà nước và người sử dụng đường BOT.
Thời gian qua việc lựa chọn nhà thầu vẫn có nhiều ý kiến cho rằng chưa thật minh bạch.
Cần tránh các dự án chủ đầu tư bỏ thầu giá thấp, nhưng khi triển khai thì lại xin điều chỉnh, lấy lý do dự án gặp khó khăn, nguy cơ đình trệ.
Với những dự án như vậy, nếu chủ đầu tư vi phạm cam kết, không đủ năng lực triển khai tiếp, nên sòng phẳng chấm dứt hợp đồng.
Giải pháp dài hạn, việc lựa chọn nhà thầu đều phải trên cơ sở đấu thầu cạnh tranh công khai và mời thầu nước ngoài.
Ngoài ra, để tránh nhà đầu tư "tay không bắt giặc" dễ dẫn tới dự án bị đình trệ, chuyển nhượng dự án, nên xem xét yêu cầu vốn sở hữu của chủ đầu tư phải tối thiểu 30% tổng vốn đầu tư dự án.
DiaOcOnline.vn - theo Tuổi Trẻ
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: