Top

TPP giúp bất động sản bán lẻ Việt Nam thoát cảnh bội cung

Cập nhật 24/12/2015 14:28

Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà bán lẻ quốc tế đang thật sự quan tâm đến thị trường Châu Á, cụ thể là Myanmar, Việt Nam và Campuchia. Đặc biệt là Việt Nam, vì thị trường bán lẻ Việt Nam lớn và tiềm năng hơn hai nước còn lại. Việt Nam cũng ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng của minh trong cộng đồng Châu Á.


Tóm tắt

Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng đều đã có mặt ở Việt Nam rồi, đây là tín hiệu tốt cho một cuộc cạnh tranh “nóng” trong tương lai không xa. Hiện nay các trung tâm thương mại chưa bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ nhưng đã có vài dấu hiệu cho thấy “cuộc chiến” sắp tới sẽ gay gắt hơn.


Theo  phân tích, Việt Nam là một trong những quốc gia có sức mua tăng trưởng cao nhất tại Châu Á và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Lương cơ bản của người dân đã tăng 15% trong năm 2015 và dự báo sẽ tăng thêm 10 -15% trong năm tới. Song song đó, tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh nhất khu vực và sẽ tiếp tục tăng trưởng. Từ đó, những trung tâm thương mại của các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tiếp tục được xây dựng.

Ông Theodore Knipfing – Giám Đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield Châu Á – TBD, hầu hết các thương hiệu nổi tiếng đều đã có mặt ở Việt Nam rồi, đây là tín hiệu tốt cho một cuộc cạnh tranh “nóng” trong tương lai không xa. Hiện nay các trung tâm thương mại chưa bước vào giai đoạn phát triển bùng nổ nhưng đã có vài dấu hiệu cho thấy “cuộc chiến” sắp tới sẽ gay gắt hơn. Điển hình như tập đoàn Vingroup đang xây một lúc 20 trung tâm thương mại, điều này cho thấy bức tranh về thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ thay đổi đến như thế nào trong 5 năm tới.

“Nếu so với các thị trường bán lẻ khác, tôi nghĩ Việt Nam có nhiều lợi thế hơn Myanmar, Campuchia. Chẳng hạn, Việt Nam có các con đường mua sắm tại khu trung tâm trong khi hai nước kia không có. Xét về giá thuê tại trung tâm thương mại, cả ba nước hiện có rất nhiều trung tâm đang thương mại được xây dựng, thị trường sẽ có sự thay đổi mạnh trong thời gian tới”, ông Knipfing nói thêm.

Về vấn đề hiện có khá nhiều bất động sản bán lẻ tại Việt Nam đã có tỷ lệ cho thuê khá thấp trong một thời gian dài khi bất động sản xuống dốc do có thời gian nguồn cung tăng quá nhanh. Liệu việc này đang tạo ra tình trạng bội cung trên thị trường BĐS bán lẻ?

Ông Knipfing khẳng định rằng chúng ta chưa vội bi quan như vậy vì nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất nguồn cung mặt bằng bán lẻ hiện nay đang tăng. Nguồn cung tăng nhưng kinh tế vĩ mô cũng đang phát triển ổn định, thói quen mua sắm của người dân cũng đang được cải thiện.

Do đó mọi thứ vẫn đang đi đúng quỹ đạo tự nhiên của nó, chỉ có một điều mà thị trường bán lẻ Việt Nam cần cải thiện đó chính là phải thu hút các thương hiệu lớn quan trọng vào trung tâm thương mại. Bởi vì tại bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, các thương hiệu này đóng vai trò quan trọng trong việc thành bại của trung tâm thương mại do họ thu hút người dân đến đây mua sắm và sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, những Hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… là những điểm tích cực cho thị trường. Về lý thuyết mà nói thì sẽ có rất nhiều các nhà máy, xí nghiệp, các công ty đến làm ăn và thị trường sẽ chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu khi hoạt động giao thương nhộn nhịp hơn.

“Trong thời gian tới, các chủ trung tâm thương mại, các nhà phát triển BĐS phải làm thế nào để thu hút được càng nhiều người đến trung tâm thương mại của họ càng tốt. Các hiệp định nêu trên rất quan trọng, tự do hàng hóa, xóa bỏ các rào cản thương mại và thuế cũng rất quan trọng nhưng đều đến từ bên ngoài, chúng ta phải mạnh từ bên trong, phải thay đổi thói quen sinh hoạt, mua sắm và điều này cần thời gian mới có thể giúp thị trường bán lẻ trưởng thành”, ông Knipfing phân tích thêm.

Tuy nhiên, theo vị này các nhà bán lẻ nước ngoài cũng sẽ không lạc quan quá mức vào thị trường, xây dựng trung tâm thương mại với rất nhiều các thương hiệu nước ngoài và mong đợi là nó sẽ thành công. Họ sẽ nghiên cứu và học hỏi từ những thành công của doanh nghiệp bản địa để áp dụng cho họ, rồi sẽ tìm cách để thu hút người dân đến trung tâm của họ bằng cách trả lời câu hỏi làm như thế nào để thay đổi thói quen sinh hoạt và mua sắm của người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ