Top

TP.HCM xử lý sếp Tân Thuận dùng tiền đầu tư khu đô thị đi nước ngoài

Cập nhật 28/10/2018 10:17

Thanh tra TP.HCM chỉ rõ trong hai năm 2016 và 2017, Công ty Tân Thuận đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài bằng ngân sách đầu tư dự án với tổng số tiền chi trả hơn 1,3 tỷ đồng.

Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong về việc thanh tra Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC). Trong đó, có 3 vụ việc tại công ty này được chỉ đạo chuyển cơ quan điều tra. Trong đó nhấn mạnh về việc sử dụng nguồn ngân sách đầu tư để đi nước ngoài.

Đi nước ngoài bằng tiền đầu tư Khu đô thị cảng Hiệp Phước

Theo kết luận của Thanh tra TP.HCM, trong hai năm 2016 và 2017, Công ty IPC đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài với tổng số tiền chi trả hơn 1,3 tỷ đồng.

Trong đó, có chuyến đi công tác tại Bỉ, Hà Lan và Mỹ năm 2016 trong vòng 11 ngày với mục đích để nghiên cứu chuẩn bị đầu tư Khu công nghiệp Hiệp Phước.

Đoàn đi có ông Tề Trí Dũng - Tổng giám đốc, ông Phạm Xuân Trung - Phó tổng giám đốc, ông Trần Đăng Linh - Trưởng phòng quản lý đầu tư dự án và bà Hồ Thị Thanh Phúc - Trưởng phòng phát triển kinh doanh. Kinh phí chi từ nguồn ngân sách chuẩn bị đầu tư Khu đô thị - công nghiệp - cảng Hiệp Phước với giá trị hợp đồng chi trả là hơn 1,1 tỷ đồng.

Thanh tra nhận thấy ông Dũng, ông Linh và bà Phúc đi công tác nước ngoài vượt quá 5 ngày so với quyết định của UBND TP, riêng ông Trung vượt 7 ngày.

Lãnh đạo công ty IPC đi nước ngoài như đi chợ.

Ngoài ra, qua kiểm tra hộ chiếu cá nhân, Thanh tra TP nhận thấy ông Nguyễn Xuân Đức - Phó tổng giám đốc (thời điểm thực hiện chuyến đi ông Đức giữ chức vụ Phó giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng - người đại diện vốn của công ty IPC) và ông Nguyễn Trường Bảo Khánh - Trưởng phòng tài chính kế hoạch (thời điểm chuyến đi giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hiệp Phước - người đại diện vốn của công ty IPC) cũng tham gia chuyến đi.

Đi nước ngoài nhưng không có kết quả

Sau chuyến đi, công ty IPC có báo cáo về chuyến công tác tại Bỉ, Hà Lan và Mỹ, nhưng nội dung báo cáo không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm đúc kết được qua chuyến công tác đó.

Về chuyến đi Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp 10 ngày trong năm 2017 của ông Tề Trí Dũng - Tổng giám đốc và ông Trần Đăng Linh - Trưởng phòng quản lý đầu tư dự án, kinh phí do Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn và Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước chi trả.

Thanh tra nhận thấy, ông Dũng và ông Linh đi trước 5 ngày và về trễ 3 ngày so với quyết định của UBND TP.

Tương tự chuyến đi trong năm 2016, báo cáo kết quả chuyến đi này cho thấy nội dung không thể hiện kết quả, kinh nghiệm đúc kết được qua chuyến công tác.

Tiền đi nước ngoài của lãnh đạo IPC lấy từ nguồn đầu tư khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Theo hồ sơ tài liệu, ngoài ông Dũng và ông Linh được cử đi công tác nước ngoài theo quyết định của UBND TP, còn có 6 thành viên khác tham gia chuyến đi (không có quyết định cử đi nước ngoài), gồm: ông Phạm Xuân Trung - Phó tổng giám đốc, ông Nguyễn Trường Bảo Khánh - thành viên Hội đồng thành viên, ông Vũ Xuân Đức - thành viên Hội đồng thành viên, bà Bùi Hải Hà và bà Trương Thị Hương Giang - Kiểm soát viên và ông Dương Minh Nhựt - Trưởng phòng kinh doanh.

Ngày 1/11/2017, Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn và Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Bến Thành ký hợp đồng về tổ chức tour du lịch nước ngoài, số lượng 11 khách với giá trị hợp đồng là hơn 2,7 tỷ đồng (tức 246 triệu đồng/một khách).

Liên quan đến chuyến đi công tác Nhật Bản trong năm 2017, Thanh tra TP.HCM cũng nhận thấy ông Phạm Xuân Trung - Phó tổng giám đốc Công ty IPC, tại thời điểm đoàn công tác Nhật Bản, ông Trung có lịch công tác ở Đài Loan nên không tham gia đủ ngày theo lịch trình nhưng công ty IPC không phân công người khác để tham gia đoàn công tác Nhật Bản, làm ảnh hưởng đến kết quả chuyến đi và không chấp hành đúng thời gian đi công tác theo quyết định của UBND TP.

Qua kết quả thanh tra như trên, Thanh tra TP.HCM nhận thấy có những dấu hiệu vi phạm như: một số người quản lý công ty IPC đi nước ngoài khi không có quyết định cử đi nước ngoài của UBND TP.

Mặc dù, UBND TP đã có văn bản yêu cầu không để tái diễn tình trạng trên nhưng công ty IPC không thực hiện yêu cầu của UBND TP, vẫn có một số người quản lý, lãnh đạo đi nước ngoài khi chưa có quyết định.

Thời gian đi thực tế vượt so với quyết định của UBND TP. Số ngày đi nước ngoài của người quản lý công ty IPC trong 2 năm 2016 và 2017 rất nhiều, chiếm tỷ lệ lớn trong số ngày làm việc của năm làm ảnh hưởng đến việc quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Số đoàn đi công tác và số lần đi nước ngoài (việc riêng) của người quản lý và các trưởng, phó phòng của công ty IPC nhiều, nhưng phần lớn là các chuyến đi sau khi kết thúc không báo cáo kết quả chuyến đi... 16/16 lần đi nước ngoài về việc riêng của cán bộ lãnh đạo, người quản lý công ty IPC; 40/40 lần đi nước ngoài về việc riêng của các cá nhân là trưởng, phó phòng trực thuộc công ty.

Thanh tra cũng nhận thấy trong hai năm đó một số cá nhân là trưởng, phó của các phòng ban công ty IPC có số ngày đi nước ngoài (cá nhân tự túc) nhiều hơn số ngày phép theo quy định của Luật Lao động là không đúng quy định.

Chuyển cơ quan điều tra 3 vụ việc

Kết luận này của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ rõ có 3 vụ việc tại công ty này được chỉ đạo chuyển cơ quan điều tra.

Cụ thể, vụ thứ nhất là việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, không đảm bảo lợi ích cổ đông của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Thứ hai, việc thẩm định giá của Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thẩm định giá MHD, không đúng quy định, không phù hợp giá thị trường, dẫn đến khả năng gây thiệt hại cho Công ty IPC và vốn Nhà nước.

Thứ ba, việc thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu, việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh thực hiện dự án, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không đảm bảo lợi ích của Công ty IPC.

DiaOcOnline.vn - Theo Zing