Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), năm 2018, ước thu ngân sách từ đất trên địa bàn TP.HCM khoảng 22.600 tỷ đồng. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất là 13.868 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách.
Thị trường BĐS TPHCM đang có biểu hiện lệch pha cung cầu. Ảnh: Nguyễn Huế
|
So với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 5.139 tỷ đồng, giảm 18,9%; số thu tiền sử dụng đất giảm khoảng 4.537 tỷ đồng, giảm đến 25,3% (năm 2017, đã thu ngân sách từ đất là 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách; trong đó, số thu tiền sử dụng đất là 17.905 tỷ đồng).
Đáng chú ý là là số tiền thu ngân sách từ đất mà các doanh nghiệp và cá nhân còn nợ đến ngày 30/11/2018 đã lên đến 3.013 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ trọng số thu từ đất trong tổng số thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã sụt giảm đến 2,43% (Từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018).
Theo HoREA, nhìn chung thị trường bất động sản TPHCM năm 2018 vẫn giữ được sự phát triển ổn định, không bị "bong bóng" và vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi, tăng trưởng, nhưng đã có dấu hiệu sụt giảm cả về nguồn cung dự án, sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở và số lượng giao dịch.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong năm 2018, đơn vị này đã xác nhận 77 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai gồm có 28.316 căn nhà. Trong đó, có 27.166 căn hộ và 1.200 căn nhà thấp tầng, với tổng giá trị huy động vốn đạt 49.277 tỷ đồng. Tập trung nhiều nhất tại quận 2 (10 dự án), quận 7 (10 dự án), quận 9 (8 dự án), quận Gò Vấp (8 dự án), quận 8 (7 dự án), quận Thủ Đức (6 dự án), huyện Bình Chánh (6 dự án), các quận Bình Tân, Phú Nhuận, Tân Phú (mỗi quận 04 dự án). Trong đó, phân khúc cao cấp có 8.502 căn, chiếm tỷ lệ 30%; phân khúc trung cấp có 12.833 căn, chiếm tỷ lệ 45,3%; phân khúc bình dân có 6.981 căn, chiếm tỷ lệ 24,7%.
So sánh nguồn cung bất động sản năm 2018 với năm 2017, số lượng dự án giảm 18 dự án, tỷ lệ giảm 13%; Tổng số căn nhà đưa ra thị trường giảm 16.675 căn, tỷ lệ giảm đến 34,1%. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giảm ít nhất, chỉ giảm 2.485 căn, tỷ lệ giảm 22,6%; Phân khúc căn hộ trung cấp giảm 6.676 căn, tỷ lệ giảm đến 34,2%; Phân khúc căn hộ bình dân giảm 6.362 căn, tỷ lệ giảm mạnh nhất đến 44,1%.
Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm bị mất cân đối, lệch pha cung - cầu, chưa đảm bảo phục vụ mục tiêu an sinh xã hội vì tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ đạt 24,7%, chiếm tỷ lệ thấp. Trong lúc, phân khúc cao cấp chiếm khoảng 1/3 thị trường (tỷ lệ 30%) và đã xuất hiện dấu hiệu thừa cung tại TPHCM cũng như trong phạm vi cả nước như nhận định của Bộ Xây dựng mà các chủ đầu tư cần hết sức lưu ý để điều chỉnh kế hoạch đầu tư và kinh doanh phù hợp.
Đây cũng là biểu hiện lệch pha cung - cầu và là chỉ dấu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản thiếu bền vững. Bởi lẽ, trong thị trường bất động sản phát triển bền vững, cân bằng, thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền chiếm tỷ lệ lớn nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.
Diaoconline.vn – Theo HQ Online
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: