9 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư và không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư.
Thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở. Ảnh: Quý Hòa
Số dự án ở TP.HCM thấp kỷ lục
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng về xu thế sụt giảm của thị trường bất động sản TP.HCM, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ.
Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), trong hai năm gần đây, thị trường bất động sản thành phố Hồ Chí Minh bị sụt giảm mạnh nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở.
Cụ thể, số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở tại TP.HCM trong 3 năm qua, từ 2017 đến tháng 9/2019 cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, TP.HCM có 17 dự án hoàn thành, giảm 72% so với cả năm trước. Số lượng nhà đạt gần 12.500 căn, giảm 64% cả năm trước. 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số gần 20.000 căn hộ, căn nhà.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ có một dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 83%, 12 dự án được chấp thuận chủ trương, giảm khoảng 72% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư.
Khan hiếm nguồn cung khiến giá tăng cao
Theo HoREA, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội. Tình trạng mất cân bằng “cung-cầu” do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.
Xét về bản chất, thị trường bất động sản thành phố không xấu, do “tổng cầu về nhà ở có khả năng thanh toán” vẫn cao và sức mua, tính thanh khoản vẫn tốt. Nhưng, thị trường bất động sản hiện nay đang lâm vào tình thế khó khăn có tính nhất thời, đặc thù, bất bình thường, dẫn đến quy mô thị trường bị sụt giảm trong 02 năm gần đây. Do đó, nếu không có các biện pháp xử lý hiệu quả thì có thể còn tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian tới.
Cùng với đó, tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, khiến giá nhà đất tăng. Điều này làm nhiều người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp khó mua nhà.
Tín dụng đổ vào BĐS có xu hướng giảm
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng đổ vào bất động sản cả nước trong 08 tháng đầu năm 2019 là 1,5 triệu tỷ đồng, tăng gần 14,6% so với cuối năm 2018 (cao hơn mức tăng dư nợ tín dụng nền kinh tế, chỉ tăng 8,5%), chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế (Số liệu này bao gồm cả cho cá nhân vay tiêu dùng để xây nhà, sửa nhà, mua nhà, trong đó, có thể có một phần không nhỏ chuyển sang đầu tư bất động sản).
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong 09 tháng đầu năm 2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng khá, với 2,236 triệu tỷ đồng, tăng 10,2% so với cuối năm 2018, nhưng có xu thế tăng chậm hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tín dụng đổ vào bất động sản có xu thế giảm dần, chỉ có 269.000 tỷ đồng, chỉ tăng 3,41% so với cuối năm 2018 (thấp hơn mức tăng tổng dư nợ tín dụng), chiếm 12,3% tổng dư nợ tín dụng, thể hiện trên thực tế là các doanh nghiệp bất động sản ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng để xây nhà, sửa nhà, mua nhà khoảng 128.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Trong đó, có thể có một phần không nhỏ chuyển sang đầu tư bất động sản, tiềm ẩn rủi ro về tín dụng.
DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp cầu đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: