TP.HCM trong tương lai sẽ hình thành nhiều khu trung tâm, theo mô hình 'đa cực' để giãn dân, giảm tải cho trung tâm hiện hữu trước áp lực kẹt xe, ngập nước...
Ảnh: Độc Lập
Thay vì chỉ có một khu vực trung tâm rộng 930 ha, TP.HCM trong tương lai sẽ hình thành nhiều khu trung tâm, theo mô hình “đa cực” để giãn dân, giảm tải cho trung tâm hiện hữu trước áp lực kẹt xe, ngập nước ngày càng gia tăng.
Đó là phương án mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang tham mưu cho UBND TP.
Giãn dân về 4 cực, giảm tải khu trung tâm
Theo lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP, đơn vị này đang tham mưu cho UBND TP thuê tư vấn nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung của TP đến năm 2025 sẽ phát triển thêm về 4 hướng. Trong đó, phía đông bao gồm quận 2, 9, Thủ Đức sẽ được phát triển các khu đô thị dọc theo hành lang cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, điểm nhấn là khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM.
Khu vực Q.9 sẽ là 1 trong 4 cực trung tâm nếu TP thống nhất điều chỉnh quy hoạch theo hướng đa cực - Ảnh: Độc Lập
Ở phía nam gồm Q.7, H.Nhà Bè sẽ dựa vào điều kiện thủy văn, địa hình nhiều sông rạch để phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật phục vụ tiêu thoát nước. Phía tây bắc gồm Q.12, H.Hóc Môn, H.Củ Chi có quỹ đất rộng và điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các khu đô thị mới, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Phía tây nam gồm H.Bình Chánh, Q.Tân Phú, Q.Bình Tân chỉ phát triển hạ tầng kỹ thuật phù hợp.
Khu vực nội đô sẽ được cải tạo lại và phát triển các không gian ngầm quanh khu vực nhà ga metro thành các trung tâm thương mại, tiện ích gắn với phương tiện công cộng.
"Mô hình quy hoạch TP đa cực phải hiểu theo đúng nghĩa là tạo một nơi mới cho người dân yên tâm an cư, lạc nghiệp chứ không phải chỉ vẽ quy hoạch, cho xây nhiều khu nhà ở tiện nghi, đầy đủ dịch vụ là có thể giãn dân"
KTS Ngô Viết Nam Sơn
“Việc xây dựng và phát triển TP thành nhiều trung tâm sẽ giúp giãn dân khu vực nội đô, từ đó hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cũng giảm tải”, vị này nói.
Ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), đánh giá đây là chủ trương đúng. Đa cực có nghĩa là đa trung tâm, nhiều cực phát triển, nhiều chức năng từ kinh tế, chính trị, dân cư, du lịch, tài chính. Khi đó sẽ dựa vào thế đất để phát triển theo các cực khác nhau.
Khi phát triển TP đa cực, đa trung tâm, nơi tập trung phát triển giáo dục, nơi tập trung phát triển y tế, nơi tập trung công nghiệp... khi đó những người, những ngành nghề liên quan sẽ tập trung về đó sống và làm việc, ít phải di chuyển, không gây tình trạng kẹt xe, quá tải hạ tầng. Những nỗ lực bất thành
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công - Trường ĐH Fullbright, nhận định các ý tưởng phát triển đô thị vệ tinh để giãn dân của TP đã được thực hiện từ lâu. Đơn cử ngay từ đầu thập niên 1990, TP.HCM đã phát triển khu nam là theo triết lý giãn dân. Tuy nhiên phải sau gần ba thập niên thì khu này mới có thể phát triển và tắc nghẽn đã xảy ra khi hệ thống giao thông kết nối với khu trung tâm không được phát triển tương ứng.
Cũng từ 3 thập niên trước, TP đã quy hoạch phát triển bán đảo Thủ Thiêm để “chia lửa” với trung tâm, hay phát triển khu tây bắc cũng đã gần hai thập niên... nhưng đều không thành hiện thực. Hậu quả của những nỗ lực giãn dân “trên giấy” hay theo quy hoạch đã được thực hiện trong mấy chục năm qua theo TS Huỳnh Thế Du là vô số các quy hoạch treo mà bao phận người bị ảnh hưởng, điển hình như khu bán đảo Thanh Đa. Thực tế xảy ra ở các nước trên thế giới cho thấy, công cụ quy hoạch đô thị có vai trò rất thấp.
Cho rằng quy hoạch TP đa cực là điều tất yếu phải làm, chuyên gia quy hoạch Ngô Viết Nam Sơn dẫn chứng tại Mỹ và các nước châu Âu, ngay từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2, xây dựng đất nước, họ đã chủ trương phát triển khu ngoại ô, khuyến khích giãn dân bằng việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng mới, dịch vụ thương mại hiện đại. Khi đó, khu trung tâm lại là khu không sang trọng, không thu hút người dân đến ở.
Sau khi hình thành các cực trung tâm ngoại thành, Chính phủ mới quay trở lại dần dần đầu tư cho khu lõi. Tuy nhiên, ông Sơn đánh giá, giải pháp giãn dân, quy hoạch TP đa cực đã được định hướng từ cách đây hơn thập niên, nhưng sai lầm ngay từ đầu của TP là tập trung phát triển khu vực nội đô khiến vùng ngoại ô không có đủ tiềm lực để hình thành các khu đô thị, không đủ điều kiện, sức hút để giãn dân. Hệ lụy là phải đánh đổi nhiều di sản để lấy đất xây nhà ở, cao ốc, tốn rất nhiều tiền cho việc mở rộng đường nhưng vẫn không thoát khỏi kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường... Hạ tầng vẫn là mấu chốt
Cho rằng việc tái khởi động TP đa cực là cần thiết, nhưng ông Sơn khuyến cáo, phải có tính toán cụ thể, khoa học và khả thi về nguồn vốn. Bởi phát triển TP về 4 cực có nghĩa là trung tâm của 4 cực này phải có các thành tố giống như nội thành hiện nay. Ngoài hạ tầng đường sá kết nối, các khu đô thị phải có đầy đủ các dịch vụ tiện ích như trường học, bệnh viện, nhà hát… thậm chí cả nhu cầu tâm linh như nhà thờ, đền chùa. Song song, phải có chiến lược thu hút các cao ốc, khu văn phòng, cơ sở đem lại công ăn việc làm phù hợp với cuộc sống của người dân để họ không có nhu cầu vào khu trung tâm.
Thực tế nhiều nhà đầu tư hiện nay nộp hồ sơ quy hoạch đầy đủ nhưng chỉ ưu tiên bán nhà ở, không xây dựng đủ cơ sở hạ tầng, không thu hút được các cơ sở tạo công ăn việc làm, người dân chỉ về ăn, ngủ còn hằng ngày vẫn phải chạy lên Q.1, Q.3 để làm việc, khiến việc giãn dân thất bại, áp lực giao thông càng dồn về phía trung tâm TP.
“Chúng ta có bài học từ TP mới Bình Dương, khu vực này xây dựng được rất nhiều khu nhà ở cao cấp, đầy đủ dịch vụ vui chơi giải trí nhưng các cơ sở lao động chủ yếu là khu công nghiệp, khu chế xuất. Công nhân thì không đủ tiền mua căn hộ cao cấp, người có tiền muốn xuống ở thì không có công việc phù hợp. Mô hình thành phố mới phá sản. Nói vậy để thấy mô hình quy hoạch TP đa cực phải hiểu theo đúng nghĩa là tạo một nơi mới cho người dân yên tâm an cư, lạc nghiệp chứ không phải chỉ vẽ quy hoạch, cho xây nhiều khu nhà ở tiện nghi, đầy đủ dịch vụ là có thể giãn dân”, vị này nhấn mạnh.
TS Huỳnh Thế Du thì nói thẳng: Đừng kỳ vọng vào phép màu của công tác quy hoạch. Vấn đề chính yếu là cần phải tập trung xây dựng bằng được các cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng công suất lớn. “Có bắt người dân về Củ Chi ở, thì hằng ngày họ vẫn phải lưu thông vào TP để đi làm, đi học. Vì thế muốn Thủ Thiêm, Thanh Đa, khu đô thị tây bắc, TP mới Bình Dương, hay Nhơn Trạch… chia lửa với trung tâm hiện hữu thì cần phải có hệ thống hạ tầng kết nối tốt. Chìa khóa cho giao thông hay chính sách giãn dân của TP.HCM vẫn là mạng lưới metro hoàn chỉnh cùng hệ thống xe buýt kết nối”, ông Huỳnh Thế Du nhấn mạnh.
KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định quy hoạch chỉ là bước đầu, TP phải chỉ ra rõ từng vấn đề: đâu là nguồn tài chính để xây dựng các khu đô thị? Muốn thu hút tư nhân tham gia thì phải có chính sách giảm thuế, miễn thuế… như thế nào? “Lập quy hoạch nhưng không có kế hoạch thực hiện quy hoạch thì cũng chỉ như vẽ ra một ước mơ, TP không bao giờ có thể thoát khỏi cảnh kẹt xe ùn tắc, ngột ngạt”, ông Sơn nói.
Đô thị hóa nông thôn để hình thành TP đa cực
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, góp ý nên nhìn TP.HCM là đô thị trung tâm còn các tỉnh thành phụ cận là các khu đô thị vệ tinh.
Muốn thực hiện được mô hình này phải tiến hành đô thị hóa nông thôn, nâng nông thôn lên chuẩn tương đương đô thị và giữ được đặc thù nông thôn là thoáng đãng, rộng. Quy hoạch phát triển đô thị lõi là đô thị trung tâm TP và các đô thị vệ tinh ở từng hướng.
DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: