Top

TP.HCM: "nén chặt" trung tâm bằng cao ốc! (phần 2)

Cập nhật 25/12/2007 08:00

"Dồn" cao ốc vào "đất vàng"

Chủ trương qui hoạch của TP.HCM là sẽ phát triển đô thị theo hướng mở, phi tập trung cùng hệ thống đô thị vệ tinh để chia sẻ với khu trung tâm. Thế nhưng việc đầu tư trong thực tế lại đang đi ngược với qui hoạch này.

Định hướng phát triển đô thị của TP tới năm 2020 là phát triển chính ra các hướng Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh. Hai hướng phát triển quan trọng khác nữa là phía biển Cần Giờ và hướng Hóc Môn, Củ Chi. Việc đầu tư các khu trung tâm cũng sẽ thực hiện theo hướng tổ chức đa trung tâm. Khu vực trung tâm hiện hữu ở quận 1, quận 3 sẽ là trung tâm lịch sử, hành chính, văn hóa.

Khu trung tâm thương mại sẽ được phát triển tại quận 5 (Chợ Lớn), quận 10, Bình Thạnh và hình thành nhiều trung tâm khác tại các cửa ngõ TP như: khu A Nam Sài Gòn, quận 9, quận 12, huyện Bình Chánh. Trước đây, TP đã dự kiến dời trung tâm hành chính của TP sang khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng sau đó lại điều chỉnh, phát triển Thủ Thiêm thành một trung tâm thương mại, đầu tư tài chính.

Hạ tầng theo không kịp

Chính vì trung tâm hành chính vẫn được giữ lại tại quận 1, quận 3 nên hàng loạt nhà đầu tư có xu hướng dồn về "xin đất" làm dự án ở khu trung tâm TP. Thực tế cho thấy TP đã cấp hàng loạt dự án xây dựng cao ốc trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ tại khu vực này, trong khi khu đô thị Thủ Thiêm không được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các đô thị vệ tinh như khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi), Thủ Đức, Hóc Môn... hầu như cũng không chuyển biến gì nhiều.

Có khoảng 20 "khu đất vàng" nằm trong khu vực trung tâm TP đang được các cơ quan chức năng qui hoạch để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Hiện tại những "khu đất vàng" này là trụ sở của cơ quan hoặc các khu nhà lụp xụp.
 
Nhưng theo đề xuất của cơ quan chức năng và các chủ đầu tư, ở đây sẽ là những cao ốc hoành tráng trong tương lai, tầng cao phổ biến từ 20 - 65 tầng, mật độ xây dựng khá dày. Khi đưa vào sử dụng, có khả năng "hút" thêm hàng chục ngàn người vào khu vực trung tâm TP.
 
Đã là "đất vàng" thì các chủ đầu tư không bỏ qua cơ hội khai thác, tận dụng tối đa các chỉ tiêu: tầng cao, tầng hầm, mật độ xây dựng... làm sao có lợi nhất cho mình. Còn việc quá tải hạ tầng như giao thông, điện, nước, chất thải, bãi đậu xe... thì ít ai quan tâm.

Việc xây dựng cao ốc The Lancaster (22 - 22bis Lê Thánh Tôn) là điển hình cho việc "dồn chặt" cao ốc vào khu vực trung tâm TP. Khu "đất vàng" này có diện tích hơn 1.600m2, theo mục đích đấu giá được dùng để xây văn phòng, trung tâm thương mại với chiều cao công trình là 12 tầng.
 
Sau khi trúng đấu giá, chủ đầu tư xin xây dựng công trình 24 tầng nhưng Sở Qui hoạch - kiến trúc chỉ đồng ý thỏa thuận cho xây 18 tầng. Sở Xây dựng cấp phép cho công trình cao 17 tầng nhưng thực tế cộng thêm tầng lửng, tầng kỹ thuật và kể cả tầng hầm thì tòa nhà này tới 22 tầng.

Không chỉ về vấn đề chiều cao, mục đích thay đổi mà việc xây dựng cao ốc này chỉ cách cụm cao ốc gần đó như Sky Garden vài mét, khiến dư luận thắc mắc về trách nhiệm của các cơ quan cấp phép. Đến nay cao ốc The Lancaster đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng với cả trăm căn hộ cao cấp, lượng ôtô ra vào khu vực này khá đông, khiến đoạn đường Lê Thánh Tôn vốn chẳng rộng lớn gì đã trở nên chật chội hơn nhiều.

Tòa nhà cao nhất TP.HCM

Đến thời điểm này, tòa nhà cao nhất TP.HCM thuộc dự án trung tâm tài chính - văn phòng - thương mại Bitexco, do Công ty TNHH sản xuất - kinh doanh - xuất nhập khẩu Bình Minh làm chủ đầu tư. Công trình cao 60 tầng và bảy tầng hầm, xây dựng trên khu đất khoảng 5.400m2.

Theo thiết kế, đây sẽ là công trình "điểm nhấn" của khu trung tâm TP với kiến trúc hình búp sen. Mặc dù công trình nằm ở ba mặt tiền là đường Hồ Tùng Mậu - Hải Triều - Ngô Đức Kế (quận 1) nhưng không ít ý kiến lo ngại rằng ba tuyến đường này khá nhỏ, lại thuộc khu buôn bán sầm uất, nên hạ tầng giao thông trong khu vực khó "kham" nổi tình trạng hàng ngàn người ra vào tòa nhà này khi dự án hoàn thành



Cao ốc biến đường phố thành đường hẻm

Vẫn trên con đường Lê Thánh Tôn, một cao ốc 20 tầng và 2 tầng hầm với tên gọi Trung tâm thương mại hàng hải Gemadept cũng đang rộn ràng thi công. Cao ốc này có nhiều chức năng: văn phòng, khu trung tâm thương mại, xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng.

Theo tính toán của các chuyên gia, với việc hoàn thành cao ốc Gemadept (diện tích sàn 15.000m2), dự kiến có hơn 4.000 người thường xuyên tập trung tại đây, điều đó đồng nghĩa số lượng xe cộ tham gia lưu thông tại đoạn đường này sẽ tăng lên rất nhiều.

Trong khi đó, đường Lê Thánh Tôn là một trong những con đường đã hình thành từ thời Pháp thuộc, lộ giới hẹp, hiện đang là con đường chủ yếu cho dòng người lưu thông từ khu vực quận Bình Thạnh, quận 2, Thủ Đức... đi từ đường Nguyễn Hữu Cảnh vào khu trung tâm. Hiện nay mật độ lưu thông trên con đường này đã rất đông đúc, nếu tăng thêm phương tiện tham gia lưu thông thì rất khó tránh khỏi nạn kẹt xe.

Rất nhiều con đường trong khu trung tâm (vốn có từ thời Pháp thuộc) như Pasteur, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Thi Sách... đang có một hoặc vài cao ốc được xây dựng. Đặc biệt, đường Nguyễn Thị Minh Khai là "điểm nóng" về cao ốc.

Ngoài những cao ốc đã hoàn thành một hai năm qua, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa) hiện có ba cao ốc đang xây dựng, mỗi cao ốc đều có qui mô vài chục tầng: Sailing Tower (22 tầng), Pacific (22 tầng), Centek Tower (cũng 22 tầng); cộng thêm 5 - 6 cao ốc cũ thì khu vực này có tới gần 10 cao ốc.

Chưa hết, nhiều thông tin đáng tin cậy cho biết các chủ đầu tư còn đang chuẩn bị các bước thủ tục để xây dựng những cao ốc khác trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai trong thời gian tới. Một chuyên gia thuộc hội đồng kiến trúc qui hoạch TP hình dung rằng: sắp tới các cao ốc sẽ xếp hàng, "dựng đứng" dọc hai bên đường Nguyễn Thị Minh Khai, tạo thành hai bức tường dài chạy dọc theo đường như "cái hào giao thông"!

Tại một "địa chỉ đen" về ùn tắc giao thông là đoạn đường hơn 200m từ cầu Đinh Bộ Lĩnh đến ngã tư Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng (P. 24, Q. Bình Thạnh) đã có tới bốn cao ốc trên 10 tầng mọc lên hai bên đường.

Ông Võ Minh Hoàng - phó chủ tịch UBND P.24 cho hay trong số các cao ốc này chỉ có tòa nhà ở 26 Đinh Bộ Lĩnh được hoàn thành cùng với thời điểm bắt đầu xảy ra nạn kẹt xe, còn những cao ốc khác trong giai đoạn đang xây dựng hoặc đang hoàn thiện. Theo ông Hoàng, khi tất cả cao ốc được đưa vào sử dụng thì nạn kẹt xe tại khu vực này càng trầm trọng hơn.

20 "khu đất vàng" dành cho các nhà đầu tư

Theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Qui hoạch - kiến trúc đã đề xuất các tiêu chí qui hoạch 20 "khu đất vàng" thuộc những vị trí đẹp nhất của khu trung tâm để kêu gọi đầu tư.

Đó là 20 ô phố bao gồm:

1. Khu tứ giác Bến Thành.
2. Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học.
3. Khu Bệnh viện Sài Gòn.
4. Khu Eden.
5. Khu đối diện khách sạn Park Hyatt (góc Nguyễn Siêu - Hai Bà Trưng - Đông Du).
6. Khu đối diện khách sạn Park Hyatt (Lê Thánh Tôn - Thi Sách - Cao Bá Quát - Hai Bà Trưng).
7. Khu đất Bia Sài Gòn.
8. Khu Sở Văn hóa - thông tin.
9. Khu chợ Dân Sinh và khu nhà phố.
10. Khu tứ giác Mả Lạng (Nguyễn Cư Trinh - Trần Đình Xu - Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh).
11. Khu 87 Cô Giang.
12. Khu góc Nguyễn Du - Chu Mạnh Trinh.
13. Khu Sở Giáo dục - đào tạo.
14. Khu 25bis Nguyễn Thị Minh Khai.
15. Khu CLB TDTT 257 Trần Hưng Đạo.
16. Khu Nhà máy đóng tàu Ba Son.
17. Khu tứ giác Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp.
18. Khu chợ Bến Thành.
19. Khu sáu ô phố kế chợ Bến Thành.
20. Khu tứ giác Pasteur - Tôn Thất Đạm - Huỳnh Thúc Kháng - Tôn Thất Thiệp.

Tổng diện tích các "khu đất vàng" này hơn 50ha, trong đó lớn nhất là khu Nhà máy đóng tàu Ba Son với hơn 22ha. Hầu hết các "khu đất vàng" này đã được TP thuận chủ trương cho các nhà đầu tư lập phương án. Một số khu còn lại cũng đang có nhiều công ty "xếp hàng" xin đầu tư.


>TP.HCM: "nén chặt" trung tâm bằng cao ốc! (phần cuối)

Theo Tuổi Trẻ