Không phải do triều cường mà là do lòng sông, kênh rạch thoát nước của TPHCM bị lấn chiếm quá nhiều.
Lòng sông, lòng rạch bị lấn chiếm quá nhiều
Trong khi, nguyên nhân ngập của thành phố là hàng loạt các dự án bất động sản đã san lấp hàng ngàn m2 rạch thoát nước. Thì chính quyền TP.HCM lại chấp thuận sử dụng ba khu đất có diện tích từ 5.500m2 đến 42.000m2 để thanh toán hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) giải quyết ngập do triều cường.
Trước việc này, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Anh Dũng - Trưởng khoa Kỹ thuật đô thị - Đại học Kiến Trúc TPHCM cho biết: "Triều cường không phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc ngập ngày càng nặng nề tại TPHCM. Theo tôi, nguyên nhân quan trọng nhất đó là do lòng sông, lòng rạch hiện nay xung quanh khu vực thành phố đã bị lấn và lấp quá nhiều.
Chính vì thế, khi mưa lượng nước lớn, nhưng không có chỗ thoát nước, dẫn đến ngập. Tiếp theo, là chúng ta bỏ quá nhiều kênh rạch thoát nước mạch, dòng nước ngấm qua lòng đất không có điều kiện thoát ra ngoài, nên thành ra ứ nước, không có chỗ rút.
Bên cạnh đó, chưa có cốt khống chế để thoát nước, trong khi nó là yếu tố khá quan trọng. Rất cần một cốt chuẩn của thành phố, sau đó, các dự án, công trình, phải san lấp xây dựng theo cốt chuẩn, tránh việc chủ đầu tư san lấp vô tội vạ như hiện nay".
Theo ông Dũng, cốt xây dựng TPHCM được chia thành 3 khu vực, tùy theo địa hình. Khu vực nội thành cao độ xây dựng khống chế ≥ 2m; khu nội thành có cao độ xây dựng khống chế từ 2 – 2,5m và lớn hơn; các huyện ngoại thành có cao độ xây dựng khống chế ≥ 2m.
Dù có 3 mức nhưng cơ bản, cốt xây dựng ở TPHCM đều trên 2m so với mực nước biển. Trong khi đó, đỉnh triều cao nhất trong thời gian qua mới tới mức 1,7m. Nếu tất cả các công trình xây dựng từ nhà ở, đường giao thông và nhiều công trình kiến trúc khác trên địa bàn thành phố tuân thủ nghiêm cốt xây dựng thì tình trạng ngập ở TPHCM sẽ không xảy ra.
Triều cường không phải nguyên nhân dẫn đến ngập úng tại TPHCM
|
Thực chất, trong các đồ án quy hoạch chung TP.HCM cho đến đồ án quy hoạch chung các quận, huyện đều có khống chế cốt xây dựng, từ cốt chuẩn quốc gia đến cốt của hệ thống đường theo từng khu vực của TP.
Nhưng TP.HCM luôn thiếu người thẩm định những con đường xây dựng mới có theo cốt đúng chuẩn được phê duyệt theo quy hoạch hay không? Nếu như có sự kiểm soát chặt chẽ tại khâu này thì chắc chắn sẽ kiểm soát được việc ngập úng sau mưa.
Ông Dũng cho rằng, đầu tiên cần khắc phục đó là cốt xây dựng, từ đó các hệ thống kỹ thuật, thoát nước theo cốt đó thì mới chuẩn được.
Sau đó, cần có các biện pháp để xử lý việc kênh rạch thoát nước bị lấn chiếm, yêu cầu trả về nguyên trạng ban đầu. Khi các nhà đầu tư vi phạm, nên có các chế tài thật nặng và xử lý nghiêm cá nhân tổ chức sai phạm, bắt trả lại nguyên trạng.
Đừng lấy tiền dân giải quyết hậu quả của doanh nghiệp BĐS
Trước đề xuất yêu cầu người dân đóng phí chống ngập cho thành phố, ông Dũng cho hay: "Tôi không đồng tình với đề xuất này, bởi vì đây là chính sách quốc gia, của thành phố, ngay từ đầu đã cho các doanh nghiệp BĐS đầu tư, lấn chiếm kênh rạch gây nên ngập, rồi yêu cầu dân đóng phí là chuyện cực chẳng đã mới phải làm".
Trong khi, giải pháp yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng lại hồ điều tiết bù lại diện tích kênh rạch “lở” bị lấn chiếm hoặc san lấp mà thành phố chấp nhận với chủ đầu tư, chỉ là giải pháp tình thế đối phó, vẽ đường cho hươu chạy, không có ý nghĩa giảm ngập, nhiều khi có tác dụng như hồ nước cảnh quan sinh thái giúp nhà đầu tư tăng thêm giá trị đất của mình.
Muốn giảm ngập bền vững cho thành phố, trước hết phải nhận dạng đúng nguyên nhân bản chất, đưa ra cho được các mục tiêu kết quả định lượng khả thi, có một đồ án quy hoạch thoát nước thực sự khoa học định hướng cho các dự án chi tiết.
Theo ông Dũng, để chống ngập hiệu quả, việc quan trọng nhất là nạo vét các con sông, dòng sông phải thông thoáng, nước phải trào lên khi không có chỗ thoát, hạn chế việc lấp sông rạch.
Hiện tại, để thoát nước có hai hướng: một là thoát bề mặt, hai là thoát xuống đất, bây giờ diện tích tiết diện kênh rạch thoát nước bị lấp hết đi thì lấy chỗ nào để thoát nước, nên cần trả về nguyên trạng.
Có nghĩa nếu thành phố thu tiền chống ngập từ dân thì cũng giống như việc lấy tiền của dân đi giải quyết hậu quả mà doanh nghiệp BĐS gây ra, trong khi dân phải là người được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, cần đưa ra được cốt khống chế chuẩn cho thành phố, để chủ đầu tư, doanh nghiệp cũng như người dân tiến hành xây dựng theo tiêu chuẩn đó, tránh tình trạng không đồng nhất.
TPHCM cũng nên đánh giá hiệu quả các dự án thoát nước chống ngập gần 20 năm qua để phân loại được các nguyên nhân kém hiệu quả nhằm rút kinh nghiệm, đi sâu vào chất lượng số liệu khảo sát, phương pháp thiết kế và giám sát thi công.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: