Top

TPHCM: Doanh nghiệp BĐS tăng tốc cho những chuyến đi săn mới

Cập nhật 01/06/2016 14:00

Năm 2015, rất nhiều dự án trở lại hoành tráng sau khi đổi chủ và năm nay làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) cũng được khởi động từ khá sớm và đang tăng nhiệt từng ngày.


Ngay từ đầu năm 2016, trở lại thị trường nhà đất sau giai đoạn dài im hơi lặng tiếng, CTCP Căn nhà mơ ước (DRH) cũng liên tục chi tiền để thâu tóm hàng loạt các dự án có tiềm năng lớn. Cụ thể, ngày 21/1/2016, DRH đã thông qua chủ trương đầu tư vào Dự án Khu căn hộ cao tầng 277 Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, TP. HCM. Đây là dự án có quy mô tầng cao dự kiến là 25 tầng và dân số 900 người, diện tích sử dụng đất 5.465,4 m2.

Một cái tên khác cũng ghi dấu ấn đầu tiên của mình trên thị trường địa ốc bằng các thương vụ M&A là CTCP Licogi 13 (LIG). Sau khi mua 90% cổ phần tại CTCP Đầu tư Nông nghiệp Sài Gòn Thành Đạt và trực tiếp triển khai thực hiện dự án Khu dân cư và dịch vụ Cầu Hưng - Lai Nghi (109 héc-ta) tại xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, LIG đã tiếp tục thâu tóm Dự án Nhà ở xã hội tại Bắc Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

CTCP Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) cũng là một doanh nghiệp ghi dấu trên thị trường BĐS với hàng loạt thương vụ mua dự án mới. Cuối năm 2015, DXG đã chính thức nhận chuyển nhượng Dự án Khu chung cư Kim Khí của CTCP Kim khí TP. HCM hơn 9.100 m2 trên đường Nguyễn Văn Quỳ, quận 7, TP. HCM với tổng giá trị chuyển nhượng dự kiến 102 tỷ đồng.

Đầu năm 2016, DXG tiếp tục chi 61 tỷ đồng để nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP In Nông nghiệp lên 111 tỷ đồng, sở hữu 99,99%, đồng thời nắm trong tay quyền triển khai Tổ hợp Dự án CC-VP-TTTM có vị trí mặt tiền đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức, TP. HCM. Sau khi đổi tên thành Opal Tower, dự án này cùng với Opal Riverside và Opan Garden sẽ trở thành các dự án chiến lược của Đất Xanh trong thời gian tới.

Chưa dừng lại ở đấy, mới đây DXG đã bạo tay chi 1,392 tỷ đồng mua quyền sử dụng đất đối với các lô đất J5, J6, J11, J8, J4 thuộc khu đô thị IJC của CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật. Được biết, các khu đất chuyển nhượng có tổng diện tịch 7.8ha, bao gồm diện tích đất ở, đất giao thông, đất công viên cây xanh.

Gần đây nhất, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG ) cũng vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc thống nhất phương án kinh doanh và chuyển nhượng tại hàng loạt dự án.

Cụ thể, tại dự án Khu biệt thự Đồi An Sơn (Đà Lạt), DIG sẽ cho chuyển nhượng toàn bộ các lô đất còn lại của dự án với mức giá chuyển nhượng tối thiểu là 6 triệu đồng/m2. Với dự án Khu Trung tâm Chí Linh, Công ty sẽ chuyển nhượng một phần dự án tại Lô đất A2-1 có diện tích 7,482 m2 và Lô đất A5-1 có diện tịch 7,115 m2; mức giá chuyển nhượng đã thương thảo là 12 triệu đồng/m2.

Chưa dừng lại ở đó, tại 2 dự án lớn "dài hơi" có vốn đầu tư lớn là dự án Khu đô thị Du Lịch sinh thái Đại Phước và Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên, Công ty cũng đã thống nhất tiến hành chuyển nhượng một phần dự án cho các đối tác khác.

Theo các chuyên gia tư vấn M&A, các thương vụ chuyển nhượng dự án bất động sản thường phức tạp, đòi hỏi phải hoàn thiện nhiều thủ tục nên cả bên bán lẫn bên mua đều không muốn công bố, trừ khi bên mua hoặc bên bán là các công ty niêm yết phải công bố thông tin theo quy định. Do đó, khả năng sẽ còn nhiều thương vụ khác chưa được công bố và theo các chuyên gia này, thị trường M&A bất động sản 2016 có thể sẽ có yếu tố bất ngờ đến từ các nhà đầu tư nước ngoài khác.

Nhận định về xu hướng M&A trên thị trường BĐS từ nay đến cuối năm, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng khẳng định thị trường BĐS tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới sẽ đẩy xu hướng mua bán sáp nhập (M&A) sẽ tiếp tục tăng mạnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ