TP.HCM chỉ dành 5% diện tích cho đường sá, một tỷ lệ rất thấp so với đô thị ở Pháp (khoảng 30%) và ở Mỹ (hơn 50%). Ảnh: Hồng Thái |
Tối 18.10, tại thủ đô Paris diễn ra hội thảo nhan đề “Đường phố trong lựa chọn phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh.”
Đây cũng chính là đề tài của bà Marie Gilbert, nghiên cứu sinh về Địa lý đô thị Đại học Paris 1, thành viên Trung tâm nghiên cứu về quy hoạch đô thị ở các nước mới nổi Prodig, tập trung nghiên cứu từ ba năm qua.
Hội thảo do Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), Trung tâm thông tin tư liệu về Việt Nam (CID) và Hội người Việt Nam phối hợp tổ chức (UGVF), nhằm giúp bà con kiều bào, bạn bè Pháp và quốc tế hiểu thêm về những vấn đề trong quy hoạch đô thị của thành phố Hồ Chí Minh, những đổi thay đến”chóng mặt” của một thành phố lớn trong giai đoạn phát triển.
Theo diễn giả Marie Gilbert, trong thời gian gần đây, thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển mạnh mẽ với những công trình và những tòa nhà lớn, làm thay đổi dáng vẻ của khu vực trung tâm thành phố và cả diện mạo của các vùng ngoại vi.
Nhiều dự án lớn, trong đó phải kể đến trung tâm thương mại Thủ Thiêm và Chương trình quốc gia cải thiện đô thị, là những dự án mang tính điển hình thể hiện tham vọng và quyết tâm của thành phố Hồ Chí Minh nhằm biến thành phố này trở thành trung tâm đô thị hiện đại và văn minh, sánh với Singapore hay Thượng Hải của Trung Quốc.
Từ ba năm qua, bà Marie Gilbert đã thực hiện nhiều chuyến công du tại Việt Nam và ở lại nhiều tháng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bà dành nhiều thời gian nghiên cứu về các con hẻm trong thành phố chứ không nghiên cứu các dự án lớn, vì theo bà, con hẻm mới là nơi thực sự mà người dân sinh sống, buôn bán và đi lại.
Nhiều nhà nghiên cứu người Pháp, các nhà sử học, các nhà quy hoạch đô thị dành nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu về thủ đô Hà Nội mà ít có những nghiên cứu về thành phố Hồ Chí Minh, trong khi đây là một thành phố lớn, năng động và thay đổi từng ngày.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh chỉ dành 5% diện tích cho đường sá, một tỷ lệ rất thấp so với đô thị ở Pháp (khoảng 30%) và ở Mỹ (hơn 50%).
Trong số các giải pháp mà chính quyền thành phố cần thực hiện là mở rộng các con hẻm. Tuy nhiên khi mở rộng sẽ động chạm nhiều vấn đề và vì thế, mục đích chính trong nghiên cứu của bà Marie Gilbert là giúp những người quy hoạch hiểu sâu hơn những khó khăn và những lợi ích của việc quy hoạch thành phố này.
Bà Gilbert cũng đưa ra nhiều gợi ý để các nhà kinh tế, kiến trúc sư và quy hoạch thành phố tính đến.
Bà nhấn mạnh thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phải đối mặt với những thách thức mà không một thành phố châu Âu nào gặp phải. Đó là sự tăng trưởng dân số nhanh, cơ sở hạ tầng giao thông thấp, ngập lụt, sự nghèo khó ở đô thị, nhu cầu bảo tồn các di tích cổ, vấn đề tái định cư...
Để giải quyết những vấn đề này cần phải đưa ra những lựa chọn chính sách và khó có thể có những giải pháp toàn vẹn làm hài lòng tất cả mọi người dân.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: