Top

TP.HCM cam kết lo đủ 12 ngàn tỷ cho tuyến metro số 5

Cập nhật 29/12/2016 09:19

UBND TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hồ sơ trình chủ trương đầu tư dự án tuyến metro số 5 (giai đoạn 1: ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn).


TP.HCM đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến metro theo quy hoạch. Trong ảnh là tuyến metro số 1 thời điểm lắp các thanh dầm bê tông.

Theo TP, dự án này ban đầu sử dụng nguồn vốn ODA vay ưu đãi của Chính phủ Tây Ban Nha, tuy nhiên sau đó quốc gia này đã có Thư thông báo giảm nguồn tài trợ.

Sau một thời gian làm việc với các nhà tài trợ, hiện nay việc thu xếp và bổ sung nguồn tài trợ từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Chính phủ Tây Ban Nha đã khả thi.

Tuy nhiên tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 41.615 tỷ đồng nên theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, dự án phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi dự án nêu trên đã cơ bản hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ lập dự án đầu tư.

Nhằm tiết kiệm thời gian chuẩn bị dự án, tránh lãng phí và tận dụng hiệu quả các cam kết tài trợ của các tổ chức nói trên, TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

TP cũng đưa ra các thông số chủ yếu của tuyến như sau: Đây là tuyến bán vành khuyên, chạy dọc theo khu vực tập trung dân cư cao nhất của TP, qua các quận: Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh.

Tuyến cũng có vai trò kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến metro số 1, số 2, số 4b giai đoạn 1 (nối vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất).

Từ đó TP cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến metro số 5 giai đoạn 1 sẽ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, cải thiện khả năng lưu thông trong nội thành TP.

Về nguồn vốn đầu tư, theo tính toán tuyến sẽ tiêu tốn 41.607 tỷ VNĐ, tương đương 1.563 triệu Euro với cơ cấu như sau:

Chính phủ Tây Ban Nha: 275 triệu Euro, tương đương 7.322 tỷ VNĐ; ADB: 475 triệu Euro, tương đương 12.647 tỷ VNĐ; KfW: 200 triệu Euro, tương đương 5.325 tỷ VNĐ; EIB: 150 triệu Euro, tương đương 3.994 tỷ VNĐ; Vốn đối ứng từ ngân sách TP: 12.319 tỷ VNĐ, tương đương 462,71 triệu Euro.

Từ các tính toán trên TP khẳng định nguồn vốn đầu tư của dự án đã được bảo đảm để thực hiện. TP cũng cam kết sẽ bố trí đầy đủ và kịp thời nguồn vốn đối ứng từ Ngân sách theo đúng tiến độ thực hiện dự án.

Về cơ chế tài chính, TP cho rằng đây là dự án giao thông công cộng với quy mô đầu tư lớn nhằm giảm ùn tắc, và giảm ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông nên không có khả năng thu hồi vốn đầu tư trực tiếp.

Do đó TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho áp dụng cơ chế tài chính trong nước cho phần vốn vay ưu đãi nước ngoài đối với Dự án này, tương tự như các dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 1, 2.

DiaOcOnline.vn - Theo Infonet