Trong khi TP.HCM đang thừa căn hộ hạng sang, thì phân khúc căn hộ bình dân, nhà ở xã hội có nhu cầu mua để ở thực lại rất khan hiếm.
TP.HCM thừa cung trong phân khúc thị trường căn hộ cao cấp.
Nhà giá cao chiếm tỷ trọng lớn
Thị trường bất động sản TP.HCM đang thừa nhà giá cao, khan hiếm nhà giá thấp, khi lượng căn hộ siêu sang, cao cấp và trung cấp vẫn đang dẫn dắt thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Thành phố đã xác nhận đủ điều kiện để huy động vốn sản phẩm hình thành trong tương lai của 14 dự án với gần 12.000 căn, trong đó phân khúc cao cấp chiếm hơn 7.000 căn (58,92%), còn lại là phân khúc trung cấp. Tổng giá trị cần huy động vốn gần 900.000 tỷ đồng.
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, mặc dù giữ nguyên số dự án đủ điều kiện huy động vốn, nhưng trong nửa đầu năm 2021 đã ghi nhận tốc độ tăng 161,5% về số lượng nhà ở, trong đó phân khúc cao cấp tăng 122,57%, trung cấp tăng 294,85%, trong khi không có dự án căn hộ bình dân.
Chỉ trong thời gian ngắn, các “rổ hàng” mới được tung ta đều có giá cao ngất ngưởng, xác lập mặt bằng giá mới trong khu vực. Cuối tháng 4/2021, Dự án The Marq (phường Đa Kao, quận 1) gồm 515 căn hộ được mở bán, với mức giá dao động trung bình 170 - 210 triệu đồng/m2. Căn hộ có 1 phòng ngủ, diện tích khoảng 48 m2 có mức giá 9,1 tỷ đồng, còn căn 2 phòng ngủ, diện tích 73 m2, mức giá vào khoảng 15,5 tỷ đồng/căn.
Trước đó, hồi tháng 3, Dự án Grand Marina (đường Tôn Đức Thắng, quận 1) cũng được Masterise Homes - chủ đầu tư dự án công bố mức giá bán lên tới 18.000 USD/m2 (tương đương hơn 420 triệu đồng/m2).
Chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon, nay đổi tên thành One Central HCM (phường Bến Thành, quận 1) cũng dự kiến chào bán với mức giá 20.000 - 25.000 USD/m2. Đây được coi là mức giá căn hộ đắt đỏ nhất hiện nay.
Đánh giá về chu kỳ tăng giá này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, trong các năm gần đây, thị trường bất động sản thành phố đã có biểu hiện thừa cung trong phân khúc thị trường căn hộ cao cấp, nhưng lại rất thiếu sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Con số đáng báo động này xuất hiện vào năm 2020, khi căn hộ bình dân đã tụt dốc mạnh, chỉ chiếm 1% tổng số sản phẩm nhà ở (16.895 căn được xác định đủ điều kiện huy động vốn). Riêng quý I/2021, tỷ lệ nhà ở cao cấp, hạng sang, siêu sang chiếm đến 59%, tỷ lệ nhà ở trung cấp chiếm khoảng 41% và không còn căn hộ giá bình dân trên thị trường TP.HCM. “Tỷ trọng 59% nhà cao cấp là điều rất vô lý trong bối cảnh thu nhập của người dân còn hạn chế, giới siêu giàu Việt Nam còn chưa nhiều”, ông Châu nói.
Làm nhà giá rẻ cũng khó
Có nhiều yếu tố đang tác động lên giá nhà buộc thị trường phải tăng giá bán. Việc phát triển nhà ở thương mại giá thấp gặp rất nhiều khó khăn.
Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri TP.HCM gửi Quốc hội về Đề án Phát triển nhà ở thương mại giá thấp, Bộ Xây dựng đã nêu, nhiều năm qua có sự lệch pha cung - cầu do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chỉ quan tâm đầu tư các dự án nhà ở thương mại theo giá thị trường, phục vụ cho các đối tượng có thu nhập cao, dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp dành cho các đối tượng thu nhập trung bình và thấp.
Bộ Xây dựng cũng cho biết, cơ quan này đã xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp, trong đó tập trung vào một số ưu đãi về đất đai (được giảm tiền sử dụng đất, được chậm nộp tiền sử dụng đất), thuế (giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp), quy hoạch và bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư xây dựng, cơ chế huy động vốn... và gửi lấy ý kiến của Bộ Tư pháp.
Tuy nhiên, ý kiến của Bộ Tư pháp cho rằng, các chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp chưa được quy định trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thuế..., trong khi Nghị quyết của Chính phủ không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên sẽ khiến các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện.
Về phía TP.HCM đã phê duyệt Đề án Xây dựng chương trình nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; trong đó giai đoạn 2021 - 2025 phát triển khoảng 1,8 triệu m2 sàn.
Để đạt được mục tiêu này, Thành phố sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách. Rà soát bố trí quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại trên 10 ha để triển khai đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội. Đồng thời, ưu tiên sử dụng các quỹ đất Nhà nước trực tiếp quản lý để đầu tư dự án nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, cũng như tạo quỹ đất sạch dọc các trục giao thông công cộng, đặc biệt các tuyến metro, tuyến vành đai để làm dự án nhà ở xã hội.
Theo bà Lê Thị Huyền Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam, chiến lược phát triển các dự án nhà ở bình dân rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ. Một số giải pháp khả thi có thể đến từ việc đưa ra các chính sách hỗ trợ tốt hơn về thuế cho nhà phát triển trong phân khúc này, đẩy nhanh và ưu tiên việc cấp phép cho các dự án trong phân khúc giá thấp…
DiaOcOnline.vn – Theo Báo đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: