Top

TP. Hồ Chí Minh khó xảy ra bong bóng bất động sản trong những tháng cuối năm

Cập nhật 03/11/2017 14:29

Trong các tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, thị trường bất động sản (TTBĐS) TP. Hồ Chí Minh sẽ khó xảy ra bong bóng bởi có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời của Nhà nước cũng như sự nhạy bén trong kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). 


Sẽ khó xảy bong bóng bất động sản trong các tháng cuối năm 2017

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đã nhận định như vậy khi đánh giá hoạt động của TTBĐS thành phố trong 10 tháng đầu năm và dự báo các tháng cuối năm 2017.

Cụ thể, theo ông Châu, trong gần 10 tháng đầu năm 2017, TP. Hồ Chí Minh có 33.839 DN thành lập, chiếm 32,1% tổng số DN được thành lập mới của cả nước. Trong đó có 2.018 DN BĐS, chiếm tỷ lệ 5,96%, với tổng vốn đăng ký là 191.365 tỷ đồng; nâng tổng số DN BĐS lên đến 6.438 DN, trong tổng số 326.401 DN trên địa bàn thành phố.

Đây là dấu hiệu cho thấy TTBĐS vẫn đang thu hút sự quan tâm đầu tư, khởi nghiệp của xã hội, nhưng cũng đặt ra vấn đề về năng lực hoạt động, tính DN, và cơ quan quản lý nhà nước cần hết sức quan tâm công tác quản lý và hỗ trợ các DN mới thành lập.

Với việc thành lập thêm nhiều DN kéo theo các dự án nhà ở hình thành trong tương lai cũng tăng. Theo đó, từ đầu năm đến nay thị trường nhà ở thương mại của thành phố đã có 61 dự án nhà ở hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 28.639 căn, tổng giá trị cần huy động vốn lên đến 61.102 tỷ đồng. Trong đó, phân khúc cao cấp có 7.451 căn, chiếm tỷ lệ 26%, phân khúc trung cấp có 13.976 căn, chiếm tỷ lệ 48,8%, phân khúc bình dân có 7.212 căn, chiếm tỷ lệ 25,2%.

Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền (trung cấp và bình dân) chiếm tỷ trọng lớn nhất, đến 74% trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường. Đây là tín hiệu đáng mừng vì các nhà đầu tư, các DN đã có sự tái cơ cấu sản phẩm mạnh mẽ theo hướng tăng mạnh sản phẩm căn hộ quy mô vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ). Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ bình dân vẫn còn khá thấp (chỉ chiếm 25,2%) chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang, công nhân lao động, sinh viên, người thu nhập thấp đô thị và người nhập cư.

Dự báo về thị trường trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu - cho biết, TTBĐS vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục tình trạng chững lại so với năm 2016. Dự báo trong giai đoạn 2017-2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Đặc biệt, hoạt động mua bán, sáp nhập DN, chuyển nhượng dự án (M&A) sẽ phát triển mạnh hơn trước đây, trong đó, có phần nhờ vào việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, xu thế phát triển các dự án BĐS xanh, thân thiện môi trường, an toàn, đầy đủ tiện ích là những đòi hỏi mới của người tiêu dùng mà nhà đầu tư phải đáp ứng.

“Về dự báo có, hay không có “bong bóng” BĐS trong 2 tháng cuối năm 2017 và năm 2018, tôi nhận thấy khó có thể xảy ra, do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của nhà nước. Đặc biệt là do các DN nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường còn các nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn”, ông Châu nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Công Thương