Theo các nhà tư vấn, nghiên cứu BĐS nhận định, dòng tiền đang bắt đầu được “chảy” mạnh vào thị trường BĐS hai kênh là tiền từ hệ thống ngân hàng và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tín dụng và vốn đầu tư nước ngoài là hai dòng tiền đang “chảy” mạnh vào BĐS Việt Nam
|
Thị trường BĐS cả nước nói chung đang chứng kiến một sự phục hồi đáng kinh ngạc. Dòng tiền từ hệ thống ngân hàng hiện nay không chỉ “chảy” vào những dự án nhà ở, mà còn đến với người mua nhà để ở hoặc vay đề đầu tư thêm. Từ đầu năm đến nay, tính thanh khoản trên thị trường BĐS được ghi nhận là tăng đáng kể.
Thông tư 36/2014/TT-NHNN nới lỏng cho vay BĐS, giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150%, đã tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường BĐS. Số liệu gần nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ của hệ thống ngân hàng thương mại trong lĩnh vực BĐS, bao gồm cả BĐS công nghiệp, du lịch, nhà ở, văn phòng, cho vay cá nhân để sửa chữa, mua nhà trong 9 tháng năm 2015 đều tăng mạnh. Dư nợ hiện nay khoảng 360 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2009, lúc thị trường thấp điểm nhất. So với tổng dư nợ của toàn hệ thống trên 3 triệu tỷ đồng, dư nợ riêng cho BĐS đang chiếm khoảng trên 11%.
Cùng chung nhận định trên, ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc công ty TNHH CBRE Việt Nam, cho biết: “Tất cả các phân khúc nhà ở đều có thanh khoản tăng vọt trong 19 tháng trở lại đây. Nguồn vốn đầu tư trên thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, có gần 90% là vốn của các doanh nghiệp nội địa và vẫn là vốn vay từ hệ thống ngân hàng; còn lại trên 10% là nguồn vốn đến từ các tập đoàn hoặc quỹ đầu tư nước ngoài”.
Còn theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tín dụng cho BĐS đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. VEPR cho rằng khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay BĐS.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê chính thức cho thấy, Việt Nam từ đầu năm 2015 đến nay đã thu được 17 tỷ USD, trong khi lượng vốn FDI giải ngân cùng thời gian này là hơn 6 tỷ USD. Thị trường BĐS hấp thụ khoảng 17% trong tổng vốn FDI đăng ký đầu tư, chỉ đứng sau lĩnh vực sản xuất. Ước tính cả năm 2015, lượng vốn FDI đổ vào thị trường BĐS vào khoảng 3-4 tỷ USD. Tại Tp.HCM, con số này dự kiến vào khoảng 60% trong tổng vốn đầu tư.
Mới đây, Giám đốc Dự án thuộc công ty Savills Việt Nam Sử Ngọc Khương cũng khẳng định, từ đầu năm 2015 đến nay đơn vị này đang làm trung gian cho nhiều tập đoàn BĐS nước ngoài trong việc mua lại đất và dự án BĐS tại Tp.HCM. Có một số thương vụ trong số đó trị giá hàng tỷ USD, dự kiến sẽ sớm được công bố vào cuối năm 2015 này.
Được biết, trong quý II/2015, một liên doanh con của Warburg Pincus, quỹ đầu tư từ Mỹ đã đầu tư thêm 100 triệu USD vào Vincom Retail, nhà sở hữu và vận hành trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam. Trong quý này, Gaw Capital Partners cùng với đối tác trong nước là NP Capital đã nhận chuyển nhượng 4 dự án BĐS thuộc nhiều phân khúc khác nhau từ Indochina Land với tổng giá trị 106 triệu USD. Hay Gamuda Land cũng đã nhận chuyển nhượng 40% cổ phần (tương đương 64,1 triệu USD) trong dự án Celadon City, đây là một khu đô thị hiện đại được đầu tư ban đầu bởi một công ty liên doanh giữa Sacomreal, An Phú Gia và Thành Thành Công (TTC).
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư đang quan tâm đầu tư vào thị trường Việt Nam như Quỹ Asia Capital Reinsurance hiện đang xem xét đầu tư các loại tài sản thông qua BĐS niêm yết hoặc đầu tư trực tiếp. Tương tự, Standard Chartered Private Equity cũng đang quan tâm đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân tại Việt Nam và sẵn sàng liên kết đầu tư. Mặt khác, có một số lượng lớn các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Indonesia và Philippines cũng đang tích cực tìm kiếm để sở hữu một phần của chiếc bánh BĐS Việt Nam.
Theo dự án dự báo của nhiều chuyên gia trên thị trường BĐS, sẽ có một dòng vốn lớn từ nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ vào phân khúc căn hộ cao cấp trong thời gian tới khi quy định mở cửa cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã thực sự đi vào hoạt động hiệu quả.
Cùng với những chính sách nhà nước, đặc biệt là Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sửa đổi với các quy định nới lỏng điều kiện sở hữu nhà cho người nước ngoài phân khúc bất động sản cao cấp cũng được đánh giá là hấp dẫn hơn hẳn so với các phân khúc khác khiến cho phân khúc này sẽ bước vào cuộc cạnh tranh “nóng”.
Mặt khác, Việt Nam đang ngày một hội nhập sâu rộng với nhiều quốc gia trên thế giới, những rào cản về đầu tư, sở hữu tài sản tại Việt Nam cũng đang dần trở nên thông thoáng. Đây chính là cơ hội to lớn cho thị trường bất động sản phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh doanh và Pháp luật
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: