Top

Tìm đường cho xe lửa về Cần Thơ

Cập nhật 06/08/2009 10:40

Bản đồ hướng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ

Chiều ngày 5.8, lãnh đạo TP Cần Thơ có buổi làm việc với đơn vị tư vấn thiết kế để tìm hướng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ. Đây là một trong những tuyến đường sắt nằm trong “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt.

Các phương án

Tuyến đường này do Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam phối hợp với Công ty tư vấn Chungsuk (Hàn Quốc) thực hiện. Theo đơn vị thiết kế thì có 2 phương án ở điểm đầu (TP.HCM) và 3 phương án ở điểm kết thúc (TP Cần Thơ).

Ở điểm đầu tuyến, phía TP.HCM đang có sự lựa chọn giữa việc đặt điểm đầu tại ga Hòa Hưng và ga Thủ Thiêm. Từ một trong hai vị trí này, tuyến đường sắt cao tốc sẽ chạy dọc sông Sài Gòn về hướng quận 7. Sau đó tiếp tục đi dọc tuyến kênh Đôi, Kênh Tẻ ra đến nút giao thông cầu Bà Tăng, ra đường Nguyễn Văn Linh rồi chạy song song với đường bộ cao tốc hướng về miền tây tới ngã ba thị xã Tân An (Long An).
 

“Ở góc độ một người kinh doanh trong ngành đường sắt thì tôi thấy rất cần quan tâm đến tính tiếp cận của dự án. Hơn thế nữa, đây còn là một dự án lớn nằm trong quy hoạch tổng thể của ngành đường sắt VN. Trong quy hoạch tổng thể sẽ còn mở tiếp hai tuyến đi Kiên Giang và Cà Mau”.

Ông Nguyễn Bùi Nam, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Cục Đường sắt VN)

Từ thị xã Tân An, đơn vị thiết kế tiếp tục chỉ ra 2 hướng, hướng thứ nhất bám theo tuyến đường bộ cao tốc về đến quận Cái Răng (Cần Thơ). Theo phương án này, tuyến đường sắt sẽ vượt sông Tiền ở khu vực bến phà Mỹ Thuận (cũ) và vượt sông Hậu ở vị trí cách cầu Cần Thơ khoảng 700m về phía hạ lưu. Đây được xem là phương án 1. Theo phương án này, độ dài của tuyến đường là 156 km, vị trí đặt nhà ga cách trung tâm quận Ninh Kiều (trung tâm TP Cần Thơ) khoảng 4 km. Điểm mạnh nhất của phương án này là gần trung tâm thành phố nên sẽ rất hiệu quả ở tính tiếp cận. Song hạn chế của nó là sẽ đụng phải rất nhiều dự án đang được triển khai của cả Vĩnh Long và Cần Thơ. Cụ thể như các dự án của huyện Bình Minh (Vĩnh Long) và các dự án đang triển khai ở quận Cái Răng, trong đó có dự án bố trí xây dựng đại học quốc tế, khu văn hóa Tây Đô.

Đối với phương án 2, tại điểm ngã ba thị xã Tân An, sẽ hướng tuyến về thẳng quận Bình Thủy. Với phương án này sẽ qua Cồn Sơn để vượt sông Hậu ở điểm gần sân bay Cần Thơ. Độ dài của tuyến theo phương án này là 147 km và cách trung tâm quận Ninh Kiều hơn 6 km. Theo phương án này thì hướng tuyến và vị trí đặt nhà ga hiện tại dân cư khá thưa và ít bị “đụng” các dự án khác.

Còn với phương án 3, sẽ đặt nhà ga trên địa bàn quận Ô Môn. Phương án này cũng sẽ đi thẳng từ ngã ba thị xã Tân An hướng thẳng về Ô Môn. Theo hướng này, tuyến đường sắt sẽ về quận Ô Môn sau khi vượt sông Tiền ở đoạn qua thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp). Độ dài hướng tuyến này là 149 km và cách trung tâm TP Cần Thơ khoảng 16 km (theo đường chim bay). Phương án này không đụng với các quy hoạch khác và phù hợp với định hướng quy hoạch xây dựng TP Cần Thơ trong tương lai đã được Chính phủ phê duyệt.

Ga xe lửa chạy tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho năm 1910 - Ảnh tư liệu


Cân nhắc tính tiếp cận

Sau khi nghe báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế, một số sở ngành TP Cần Thơ cho rằng phương án 3 là có tính khả thi cao nhất. Lý do là nó không phá vỡ các quy hoạch hiện có. Mặt khác định hướng phát triển của TP là sẽ xây dựng một khu đô thị và trung tâm hành chính ở khu vực này trong thời gian tới.

Theo thiết kế, sau khi tuyến đường này hoàn thành chỉ mất từ 30 - 45 phút để di chuyển từ TP.HCM về Cần Thơ và ngược lại. Thế hệ 1 của tuyến đường sắt này có tốc độ lên đến 300 km/giờ và 350 km/giờ ở thế hệ 2. Đường được thiết kế chống ngập đến 200 năm sau và có nhiều đoạn được xây dựng trên cao.

Công ty thiết kế cũng cho biết thêm, theo nghiên cứu đến năm 2030, lưu lượng khách tuyến TP.HCM - Cần Thơ vào khoảng 362 ngàn lượt người, cao hơn tuyến TP.HCM - Đà Nẵng 3 lần (114 ngàn lượt người).


Ông Nguyễn Kim Lăng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam, cho rằng: Đây là tuyến đường sắt cao tốc chỉ chuyên chở người. Để một tuyến đường sắt cao tốc hoạt động hiệu quả thì điều quan trọng cần phải chú ý là tính tiếp cận của nó. Điều này có nghĩa là làm sao để khi tuyến đường xây xong, người dân đi lại sẽ thuận lợi hơn. Do đó, cần phải xem xét kỹ tốc độ đô thị hóa của TP đến mức nào trước khi quyết định hướng tuyến.

Đại diện Công ty tư vấn Chungsuk cho biết: trên thế giới có nhiều tuyến đường sắt đi qua hoặc gần các khu dân cư. Đa phần người dân không thích vì rất ồn. Nhưng lại có một thực tế khác là nếu xa các khu dân cư, đô thị thì tính tiếp cận không cao, nên không hiệu quả. Đây là dự án có vốn đầu tư lên đến 4 tỉ USD.

Ông Nguyễn Bùi Nam, Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Cục Đường sắt VN), nhận định: “Ở góc độ một người kinh doanh trong ngành đường sắt, tôi thấy rất cần quan tâm đến tính tiếp cận của dự án. Hơn thế nữa, đây còn là một dự án lớn nằm trong quy hoạch tổng thể của ngành đường sắt VN. Trong quy hoạch tổng thể sẽ còn mở tiếp hai tuyến đi Kiên Giang và Cà Mau”.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên