Top

Tiểu thương lo lắng vì chợ ngầm ở trung tâm TP.HCM sắp đóng cửa

Cập nhật 06/09/2018 10:23

Đầu tư cả tỷ đồng, mới bán được hơn một năm chưa thể thu hồi vốn, hàng trăm tiểu thương tại Sense Market lại hoang mang trước thông tin trả mặt bằng trước ngày 30/4/2019.

Mới đây, UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Tài chính về việc khẩn trương thực hiện quy hoạch, chỉnh trang tổng thể, trả lại đúng chức năng không gian công cộng tại công viên 23/9 (quận 1) cho người dân.

Theo đó, các đơn vị đang sử dụng mặt bằng tại công viên phải hoàn tất di dời trước ngày 30/4/2019. Đơn vị nào có thời hạn cho thuê thì phải thương thảo đối tác kết thúc trước thời hạn trên. Bên nào đang sử dụng mặt bằng nhưng trong các văn bản pháp lý không ghi rõ thời gian hoàn trả cũng phải di dời theo quy định.

Trước thông tin này, hàng trăm tiểu thương đang hoạt động tại trung tâm thương mại dưới lòng đất công viên 23/9 - Sense Market, cay đắng cho biết sẽ lỗ nặng đến mức phá sản vì khu chợ chỉ mới hoạt động hơn một năm.

Chợ tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất ở trung tâm quận 1, tại khu B công viên 23/9, ngay bên dưới sân khấu Sen Hồng.

Khách hàng bắt đầu đông thì nhận được tin dữ
 
“Mấy hôm nay, câu chuyện chúng tôi hay bàn với nhau là thông tin thành phố sẽ thu hồi, chấm dứt và không gia hạn hợp đồng cho thuê mặt bằng ở công viên 23/9 nữa. Thật sự chúng tôi rất hoang mang, tất cả tiền bạc, thậm chí vay ngân hàng đều đổ hết vào đây, chưa kịp sinh lời đã nghe phải tin xấu”, anh Đồng Anh Tuấn, một tiểu thương khu mua sắm Taka Plaza thuộc Sense Market, cho hay.

Đầu tư vào trung tâm thương mại này từ đầu năm ngoái, ngay khi Sense Market đưa vào hoạt động, vợ chồng anh Tuấn đã mong ước có một nơi buôn bán ổn định, không phải chịu cảnh chạy chợ, dẹp vỉa hè như trước.

Anh Tuấn nói vì muốn kinh doanh lâu dài nên một năm qua là thời gian làm quen khách, nưng vừa đến giai đoạn đi vào ổn định thì phải tạm dừng. Anh cho rằng, quyết định này là quá đột ngột, khiến các tiểu thương không có thời gian chuẩn bị, đặc biệt là không thể xoay sở hết hàng hóa trong khi chưa lấy lại được vốn.

Nhiều tiểu thương cho hay, sau một năm kinh doanh "làm quen", hiện Taka Plaza được nhiều người lựa chọn mua sắm nhưng lại có tin dữ là trả mặt bằng trước ngày 30/4/2019. Ảnh: Phúc Minh.
 
“Đầu tư cho 4 sạp quần áo liền kề này tôi phải mất hơn 600 triệu đồng, đó là chưa tính đến phí thuê mặt bằng hơn chục triệu/tháng/sạp. Thời gian đầu chưa nhiều người biết đến, hiện nhiều du khách và người dân đã dần quen với trung tâm mua sắm này. Gần đây khi có thông tin về trả mặt bằng, tình hình ế ẩm ngày càng thấy rõ”, anh Tuấn nói.

Tiểu thương này cho hay không chỉ anh mà những bạn hàng khác cũng đều buôn bán cầm chừng một tháng qua, trong khi số tiền đầu tư gần cả tỷ đồng nhưng nhận bạc cắc mỗi ngày, thậm chí, 3-4 hôm mới có người mở hàng.

Tương tự, chị Phương, một tiểu thương khác bán quần áo tại đây, cũng lo lắng không thể tiếp tục kinh doanh theo chính sách mới của thành phố. Chị Phương nói, 2 tháng nữa, chị sẽ trả luôn mặt bằng khi kết thúc hợp đồng vào tháng 11.

“Một phần, nếu trả lại mặt bằng vào tháng 4 năm sau như vậy thời gian thuê tiếp quá ngắn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc nhập và buôn bán hàng. Mặt khác, hiện tình hình kinh doanh cũng khá ế ẩm, nghe thông tin không tốt nên ai cũng mất tinh thần”, chị Phương nói.

Theo ghi nhận, hiện khu trung tâm thương mại Sense Market khá vắng khách, đặc biệt là khu mua sắm Taka Plaza. Chiều 4/9, lác đác chỉ có vài du khách nước ngoài và địa phương đến tham quan, mua sắm.

Nhiều người cho hay, tình trạng này đã kéo dài khoảng một tháng nay khi có thông tin thu hồi mặt bằng. Thậm chí, một số cửa hàng đang hoạt động nhưng treo bảng “sang sạp” hoặc nhiều quầy đóng cửa im ỉm, chỉ để lại số điện thoại cho ai có nhu cầu thì liên hệ.

'Chúng tôi mong được tiếp tục kinh doanh để không phải chạy chợ'

“Điều khiến tôi lo lắng nhất là việc thông báo này quá đột ngột, tức chỉ còn hơn nửa năm nữa sẽ trả mặt bằng. Trong khi đó, thời điểm cuối năm và Tết Nguyên Đán lại là mùa mua sắm, chúng tôi rất ngại và đắn đo việc có nhập nhiều hàng để bán dịp này hay không”, bà Bùi Thị Thu Loan - một tiểu thương bán quần áo, giày dép, cho hay.

Các tiểu thương khu chợ Sense Market cho hay, thời gian qua, họ rất hoang mang và không thể tập trung buôn bán vì vẫn chưa thể thu hồi vốn. Ảnh: Phúc Minh.
 
Trao đổi với Zing.vn, bà Loan không giấu được vẻ xúc động. Bà nói, đây là địa điểm kinh doanh duy nhất của gia đình nên nếu phải trả mặt bằng, bà không biết phải di dời sang đâu và số hàng tồn bán bằng cách nào.

Tiểu thương này cho rằng, không riêng bà, nhiều người khác cũng trong tình trạng tương tự.

“Tôi rất ủng hộ chính sách của thành phố là cải tạo lại các công viên trở về đúng mục đích của nó cho người dân vui chơi, chứ không phải sử dụng làm bãi giữ xe, hàng quán. Tuy nhiên, tôi nghĩ khu vực cần cải tạo phải là bề mặt nổi bên trên công viên 23/9 vì khá nhếch nhác, chiếm nhiều diện tích”, bà Loan nói.

Lý giải về kiến nghị của mình, nữ tiểu thương cho rằng hiện tầng hầm công viên được quy hoạch thành trung tâm thương mại văn minh, sạch sẽ thu hút khá nhiều du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Bà Loan nói mô hình phức hợp ẩm thực, tham quan và mua sắm dưới lòng đất từ lâu đã phát triển tại nhiều nước trên thế giới, Sense Market đi theo hình thức này và trong giai đoạn phát triển thì nên để tiếp tục hoạt động và nhân rộng.

“Nếu phần nổi của công viên 23/9 quy hoạch làm khu vực đi bộ được kết hợp tầng hầm là trung tâm mua sắm sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Công viên được trả lại đúng nghĩa, du lịch phát triển và tiểu thương cũng có công ăn việc làm, không lo chạy chợ như trước”, bà Loan cho hay.

Đồng tình quan điểm này, bà Ngọc Quý, một người kinh doanh tại đây kiến nghị thêm, lãnh đạo thành phố nên xem xét nới thời gian thu hồi mặt bằng để tiểu thương có thêm thời gian chuẩn bị.

Bà Quý nói sau một thời gian kinh doanh, vì lúc nào cũng lấy tiêu chí văn minh, sạch sẽ và thân thiện nên đến nay đã có một số khách hàng quen, thậm chí có cả người nước ngoài đang sống và làm việc tại TP.HCM.

“Trong thời gian thu hồi mặt bằng, khi lãnh đạo thành phố vẫn chưa tìm được chủ đầu tư mới, nếu có thể hãy để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh, bởi một số khách hàng khi biết thông tin này họ đều rất tiếc, phần nào cũng giúp chúng tôi hoàn được phần vốn nào hay phần nấy”, bà Quý kiến nghị.

Khu chợ dưới lòng đất đầu tiên của TP.HCM

Sense Market là khu chợ dưới lòng đất đầu tiên của TP.HCM được đưa vào hoạt động đầu năm 2017 tại tầng ngầm của công viên 23/9. Công trình này được đầu tư khai thác bởi Công ty CP Đầu tư phát triển Saigon Co.op - SCID và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Cửu Long.

Sense Market được các tiểu thương đánh giá là khu mua sắm văn minh, sạch sẽ và thân thiện nên rất được lòng khách du lịch nước ngoài. Ảnh: Phúc Minh.
 
Nhiều tiểu thương cho hay, vị trí trung tâm thương mại này trước đây là hầm giữ xe cũ nhưng xuống cấp trầm trọng, nhếch nhác và nước đọng mỗi khi mưa lớn. Sau cải tạo, tầng hầm của Sense Market có diện tích rộng 11.000 m2, trong đó có hơn 6.000 m2 được sử dụng làm bãi đỗ xe, phần còn lại là khu ẩm thực châu Á với gần 100 cửa hàng bán các món ăn Việt Nam, Lào, Campuchia, Nhật Bản... và khu mua sắm Taka Plaza với hơn 400 gian hàng lớn nhỏ cùng kinh doanh.

Tách biệt hẳn với khu vực bên trên công viên, Sense Market từ khi khai trương được kỳ vọng trở thành một điểm đến mới, văn minh, sạch sẽ, thân thiện thu hút khách du lịch khi đến TP.HCM.

Đặc biệt, nằm ẩn mình dưới công viên 23/9, vốn là khu vực đắc địa của trung tâm TP.HCM với một mặt giáp đường Phạm Ngũ Lão, mặt khác giáp đường Lê Lai và cận kề khu phố Tây Bùi Viện, Sense Market được nhiều khách du lịch nước ngoài chọn làm điểm đến bên cạnh chợ Bến Thành cách đó không xa.

Đại diện Ban quản lý Sense Market cho hay tổng thể khu trung tâm thương mại hiện có hơn 500 tiểu thương cùng kinh doanh ẩm thực, mua sắm. Trong đó, một phần không nhỏ là các hộ gia đình từng bán ở lòng lề đường các quận 1, 3 được tập trung về sau chính sách chỉnh trang bộ mặt đô thị. Sense Market giúp không ít người lao động có nơi kinh doanh ổn định.

Đại diện ban quản lý chợ nói thêm, gần đây, nhiều tiểu thương cũng hoang mang trước thông tin phải trả mặt bằng vào tháng 4/2019 nên đã gửi đơn kiến nghị được gia hạn để ổn định buôn bán.

Ủng hộ thu hồi mặt bằng nhưng cần xem xét

Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã bức xúc vì nhiều diện tích thuộc công viên 23/9 được sử dụng không đúng mục đích làm bãi đỗ xe, quán cà phê… Tình hình trên khiến công viên trông nhếch nhác, an ninh không đảm bảo, ảnh hưởng người dân và du lịch.

Tiểu thương khu mua sắm Taka Plaza (thuộc Sense Market) nói gần đây, khi có tin dữ, hoạt động kinh doanh ế ẩm đi trông thấy.
Ảnh: Phúc Minh.

Người đứng đầu TP.HCM đã có kết luận về quản lý, chỉnh trang và quy hoạch công viên 23/9. Theo đó, công tác di dời các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe… tại công viên phải hoàn thành trước ngày 30/4/2019.

Trong văn bản mới đây gửi các đơn vị liên quan, UBND thành phố cho biết thống nhất sử dụng nguồn vốn ngân sách để lập quy hoạch, chỉnh trang tổng thể công viên 23/9 thành khu vực đi bộ, thưởng ngoạn trong không gian cây xanh, phục vụ người dân và du khách.

Đại diện chủ đầu tư Sense Market cho hay hoàn toàn ủng hộ việc UBND TP.HCM xem xét thu hồi mặt bằng chưa sử dụng đúng mục đích hoặc hoạt động chưa hiệu quả tại công viên 23/9.

Tuy nhiên, vị này kiến nghị thành phố nên xem xét duy trì các dịch vụ tại tầng hầm theo hướng ngầm hóa các dịch vụ hiện hữu tại công viên. Hình thức này vừa đảm bảo mặt bằng trên công viên vẫn đúng theo quy hoạch, vừa đảm bảo khai thác tầng hầm hiệu quả.

Dẫn chứng những mô hình tương tự của các nước phát triển, chủ đầu tư Sense Market nói xu hướng ngầm hóa này sẽ giảm áp lực tầng mặt đất, tầng ngầm sẽ càng phát huy hiệu quả khi kết hợp với điểm dừng của tuyến metro đang xây dựng.

Đồng thời, hình thức này cũng góp phần giải quyết được nhiều vấn đề khác như ổn định việc làm cho người lao động, nhất là những người bán ở lề đường, hè phố. Mặt khác là điểm đến du lịch bên cạnh một số nơi quen thuộc khác.


DiaOcOnline.vn – Theo Zing.vn