Top

Tiền đâu làm tuyến metro Bến Thành - Tân Kiên?

Cập nhật 17/11/2017 08:40

Trong khi tuyến metro số 1 đang thi công cầm chừng chờ vốn, tuyến số 2 mới 'xin' tăng vốn, TP.HCM có công văn yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhanh chóng xem xét, trình Chính phủ thông qua đề xuất dự án tuyến metro số 3a (tuyến Bến Thành - Tân Kiên).

Tuyến metro số 1 vẫn đang mỏi mòn chờ giải ngân vốn ODA. ẢNH: ĐỘC LẬP

2,8 tỉ USD cho gần 20 km đường

Sai lầm khi xây dựng tuyến metro số 1 là không có quy hoạch đô thị, khi làm xong đất xung quanh khu vực đó tăng giá mà nhà nước không thu được gì

KTS Ngô Viết Nam Sơn
 

Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị (metro) Bến Thành - Tân Kiên dài gần 20 km được chia làm 2 giai đoạn đầu tư. Giai đoạn 1 xây dựng trước đoạn Bến Thành - Bến xe Miền Tây (dài 9,7 km, đi ngầm toàn bộ, chi phí hơn 1,8 tỉ USD), giai đoạn 2 xây dựng đoạn Bến xe Miền Tây - Tân Kiên (10,1 km với phần lớn đi trên cao, chi phí khoảng 1 tỉ USD). Tổng chi phí 2,8 tỉ USD cho 19,8 km đường đã được tính đầy đủ cơ cấu thành phần các chi phí của dự án và các khoản mục chi phí theo quy định, bao gồm chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm thiết bị; di dời hạ tầng kỹ thuật; quản lý dự án; tư vấn; chi phí khác; chi phí dự phòng; lãi suất trong thời gian thi công. Nhà tài trợ dự kiến của dự án là Chính phủ Nhật Bản.

So sánh với suất đầu tư của một số dự án trong nước và trong khu vực (dao động từ 97 - 345 triệu USD/km), TP.HCM đánh giá suất vốn đầu tư khoảng 110,23 triệu USD/km của tuyến metro 3a là phù hợp. Việc điều chỉnh chi phí của dự án có thể xem xét ở giai đoạn sau nhằm đảm bảo đầy đủ nguồn vốn thực hiện và hiệu quả đầu tư của dự án. Theo UBND TP, việc xây dựng tuyến metro số 3a kết nối với tuyến metro số 1 sẽ hình thành đường sắt đô thị xuyên tâm nối Bến xe Miền Đông mới - trung tâm thành phố (Bến Thành) - Bến xe Miền Tây, tạo sự thuận tiện cho hành khách và nâng cao hiệu quả đầu tư cho tuyến metro số 1, đồng thời tạo sự kết nối liên thông ba trung tâm vận chuyển hành khách lớn của thành phố.

Nợ cũ chưa xong lại lo nợ mới

Trong văn bản gửi Bộ KH-ĐT, TP.HCM có nêu, hiện Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ phần hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện nghiên cứu, rà soát báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án và đã hoàn tất vào tháng 3.2017. Khoảng 4 tháng trước, JICA cũng đã có thư gửi Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại Bộ KH-ĐT bày tỏ quan ngại về tiến độ triển khai dự án xây dựng tuyến metro số 3a và mong muốn Bộ KH-ĐT sớm trình Chính phủ thông qua đề xuất.

Tuy nhiên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khi tuyến số 1 đang dang dở, việc triển khai các tuyến tiếp theo rồi lại lâm cảnh thiếu tiền, ngưng, chậm tiến độ... vừa không đem lại hiệu quả mà còn biến TP thành công trường khổng lồ. TP nên dồn toàn lực làm cho xong tuyến metro số 1, tránh tình trạng trả chưa xong nợ này đã vội "nhảy" qua nợ khác. Song song đó, kiện toàn hệ thống xe buýt, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển những dự án dọc tuyến, thu hút ít nhất 1 triệu người đến ở khu vực này để giảm dần phương tiện cá nhân, bỏ xe máy và sử dụng phương tiện công cộng. Ông Sơn đánh giá tuyến metro số 1 có thể mang lại lợi ích vùng rất lớn, không chỉ với TP.HCM mà còn ảnh hưởng các vùng đô thị xung quanh. Khả năng Đồng Nai, Bình Dương góp sức làm tiếp metro nối lên hướng này vừa giúp các tỉnh cùng phát triển, vừa giúp TP.HCM tăng lưu lượng hành khách, đỡ bù lỗ, đồng thời khuyến khích giãn dân lên vùng xa hơn.

Ông Sơn cũng lưu ý đối với các tuyến triển khai sau, phải rút kinh nghiệm từ tuyến số 1, không để tình trạng “đói” vốn, đội vốn tiếp diễn hoặc chỉ trong giới hạn cho phép. Đồng thời phải đảm bảo quy hoạch không gian, hạ tầng đi kèm. Đơn cử, phải lập ranh đất theo chỉ giới quốc tế, trong bán kính 800 m từ các trạm nên có chính sách thu hồi đất để làm dự án cao tầng, đấu giá mời gọi các nhà đầu tư tư nhân, chia sẻ lợi ích cùng nhà nước. “Sai lầm khi xây dựng tuyến metro số 1 là không có quy hoạch đô thị, khi làm xong đất xung quanh khu vực đó tăng giá mà nhà nước không thu được gì. Ước tính việc thu lợi từ các dự án quanh metro có thể đủ bù cho cả phần chi phí đội lên của tổng mức đầu tư dự án. Tuyến số 2, số 3a hay các tuyến khác, nếu chưa tính toán, nghiên cứu kỹ những vấn đề này thì đừng vội làm”, ông Sơn nói.
 

Cần làm chủ công nghệ

Tình trạng mỗi tuyến metro có công nghệ khác nhau khiến VN khó học hỏi, thành lập nên một công nghệ tự chủ. Tuyến này hư thì phải chờ nhà đầu tư nước đó đến sửa mà không thể hỗ trợ cho nhau. Vì vậy, TP nên cân nhắc việc thu hút vốn vay ODA từ nhiều nước. Nên tính toán rút lại, tập trung triển khai và làm chủ công nghệ để giảm chi phí cho các tuyến tiếp theo.

KTS Ngô Viết Nam Sơ


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên