Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực xây dựng luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Xây dựng tập trung trong nhiều năm qua. Những thành công bước đầu đã được Chính phủ và người dân đánh giá cao. Tuy nhiên, về lâu dài vẫn còn nhiều việc cần làm, nhất là những cách làm, tư duy mới trong hoàn thiện các chính sách ngành xây dựng.
Khu đô thị Đặng Xá huyện Gia Lâm (Hà Nội).
|
Dự kiến bãi bỏ 41,3% thủ tục hành chính
Một nội dung quan trọng ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đối với người đứng đầu các bộ, ngành là thường xuyên rà soát, sửa đổi, hoặc bãi bỏ ngay cơ chế chính sách, quy định pháp luật không còn phù hợp; kiên quyết không để thể chế, chính sách gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Theo Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà, thời gian qua, Bộ Xây dựng luôn chủ động tập trung, cũng như phối hợp, tăng cường lấy ý kiến, đối thoại với DN, hiệp hội để tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính minh bạch trong việc ban hành các điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐTKD).
Tính đến thời điểm này, Bộ Xây dựng đã chủ động rà soát, đề xuất bãi bỏ năm ngành, nghề không thuộc Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện của Luật số 03/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề ĐTKD có điều kiện của Luật Đầu tư, nhưng được quy định tại các Nghị định do Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo. Dự kiến đề xuất bãi bỏ khoảng 41,3%; đơn giản hóa 43,7%; giữ nguyên 15% tổng số điều kiện ĐTKD thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng hiện nay đang được quy định tại Luật và Nghị định của Chính phủ. Đồng thời, đã trình Thủ tướng phê duyệt và ban hành nhiều chính sách đổi mới mạnh mẽ như: Đề án hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá trong lĩnh vực xây dựng; Đề án hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, góp phần hạn chế thất thoát, chống tham nhũng, lãng phí.
Nghị định số 42/2017/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền hợp lý, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Điều này đã giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn khoảng 40 ngày, được Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá cao, xếp hạng thứ 20 trong số 190 quốc gia, tăng bốn bậc so với năm 2016 và là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số được xếp hạng của Việt Nam...
Từ góc độ DN, Trưởng ban Đầu tư phát triển dự án đô thị và hạ tầng Tập đoàn Geleximco Ngô Anh Trí cho biết, công tác cải cách TTHC trong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực, thời gian cấp phép được rút ngắn, giảm tới 50% đã giúp DN sớm đưa công trình vào thi công xây dựng. Chẳng hạn như Dự án Ngôi sao An Bình 2 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và khi được Bộ Xây dựng thẩm định để trình Chính phủ, thời gian rút ngắn xuống còn 20 ngày. “Chúng tôi rất mong các TTHC càng rút ngắn thời gian càng tốt vì đem lại lợi ích rất nhiều cho các DN và với các DN đầu tư xây dựng thì thời gian là vàng”, ông Trí phân tích.
Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện chính sách
Tại Hội nghị tổng kết ngành xây dựng năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành công bước đầu của ngành xây dựng, qua kiểm tra đã cắt giảm từ 3 đến 4% tổng mức đầu tư so dự toán ban đầu, đồng thời hoàn thành, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án về định mức, đơn giá xây dựng cùng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng, góp phần chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng...
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số vấn đề của ngành cần có giải pháp khắc phục tốt hơn. Việc xây dựng thể chế còn chậm, chất lượng một số đồ án quy hoạch chưa đạt yêu cầu, thậm chí vừa làm xong đã phải sửa. Ðiều chỉnh quy hoạch còn tùy tiện, bất cập trong quy hoạch nông thôn. Cơ cấu bất động sản đã được điều chỉnh, nhưng chưa hợp lý. Trong phạm vi toàn xã hội, chưa quan tâm đúng mức nhà ở xã hội (NOXH), nhất là các địa phương, nguồn cung loại hình nhà ở này còn quá ít so với nhu cầu... Đồng thời giao chỉ tiêu tăng trưởng ngành trong năm 2018 là 9,2%.
Để thực hiện được chỉ tiêu Thủ tướng giao cũng như phát triển ổn định trong dài hạn, Bộ Xây dựng đang tiếp tục đẩy mạnh phân cấp mạnh mẽ cho địa phương trong hoạt động xây dựng, tạo bước đột phá hơn nữa trong cải cách TTHC. Hiện nay, bộ cũng đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa 22 TTHC theo Đề án 896 về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư đối với bốn lĩnh vực: xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời, đề xuất loại bỏ bảy trong số 17 ngành nghề kinh doanh ngành xây dựng nhằm cải thiện môi trường ĐTKD.
Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chia sẻ, cùng với cải cách TTHC cũng cần có những cách tiếp cận, tư duy mới. Đơn cử trong lĩnh vực phát triển đô thị, hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5%, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt 44%, mức cao của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, thực tế phát triển đô thị vẫn đang dựa vào lối tư duy cũ, lạc hậu, nặng tính bao cấp, phần lớn sử dụng vốn ngân sách, chưa thu hút được nguồn lực xã hội, dàn trải, do vậy cần tiếp cận theo hướng sửa đổi, bổ sung phương pháp luận trong phát triển đô thị, gắn kết các ngành kinh tế tạo sự thống nhất trong quá trình tổ chức triển khai quy hoạch. Tương tự như vậy, thị trường bất động sản mặc dù đã đi vào quỹ đạo ổn định, nhưng vẫn tồn tại lệch pha cung cầu, thừa phân khúc cao cấp, thiếu phân khúc bình dân, nhà ở xã hội, chính vì vậy, cần tiếp tục tháo gỡ hai vướng mắc về nguồn vốn và nguồn cung. Từ hiệu quả của gói hỗ trợ nhà ở trước đây, Nhà nước cần xem xét tạo nguồn vốn hỗ trợ ổn định hằng năm.
Theo tính toán sơ bộ, một đồng vốn đầu tư vào nhà thu nhập thấp, NOXH sẽ thu hút khoảng 16 đồng nguồn lực đầu tư ngoài xã hội, kéo theo hàng loạt thị trường ăn theo. Đồng thời, nhằm tạo nguồn cung ổn định, ngoài việc thực hiện quyết liệt, nghiêm túc và minh bạch việc sử dụng quỹ đất sạch để phát triển NOXH, các dự án nhà ở thương mại cần dành một phần diện tích phát triển nhà ở thu nhập thấp một cách hợp lý để bảo đảm người thu nhập thấp cũng được hưởng hệ thống hạ tầng, vui chơi giải trí, sinh hoạt,... như những đối tượng khác. Ðiều này sẽ giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân, tạo thêm sức hấp dẫn cho phân khúc nhà giá thấp, bảo đảm mục tiêu “kép” phát triển ổn định thị trường bất động sản và an sinh xã hội.
Hiện nay, diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 triệu m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người; tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống nước tập trung đạt khoảng 84,5%, tăng 1%; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị đạt khoảng 85,5%, tăng 0,5%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch khoảng 23%, giảm 0,5%... so với năm 2016.
(Nguồn: Bộ Xây dựng)
DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: