"Cần phải có nhận định đúng đắn về giá trị của di sản từ nhiều đối tượng trong và ngoài nước, đặc biệt là sự tham gia của dân cư cộng đồng".
Thương xá Tax.
|
Xét đủ trên 4 tiêu chí
Chia sẻ thông tin với PV, ngày 13/10, KTS.Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Xét về di sản kiến trúc thì nó phải có hệ giá trị. Thứ nhất về lịch sử - (tính bằng tuổi, số năm tồn tại). Tuổi càng nhiều, tồn tại càng lâu thì càng có giá trị lịch sử. Ví dụ như, một công trình được xếp vào giá trị lịch sử thì phải tính đến thời gian tồn tại của nó, đó là tiêu chí số một.
Thứ hai là về văn hóa và nghệ thuật. Tức là nó đại diện cho phong cách nào, tư tưởng nào? Đây là trường phái kiến trúc đại diện cho thời kỳ đó. Tác giả và tác phẩm gây ấn tượng trong lòng người, xét về mặt kiến trúc và nghệ thuật.
Thứ ba là giá trị sử dụng. Tức là, mặc dù công trình đó giá trị sử dụng có thể không tính bằng m2 (cái được xã hội quan tâm, khai thác và sử dụng có khi rất nhỏ) nhưng nó được giữ trong lòng đô thị lớn, được nhiều người quan tâm, lưu ý tới. Nói chung, giá trị sử dụng là có ích cả về mặt tinh thần và vật chất cho dân.
Thứ tư là giá trị về tương lai nếu như, bảo tồn nó sẽ mang lại lợi ích cho thế hệ đời sau. Bởi vì, trong một công trình kiến trúc không thể chỉ đánh giá về mặt giá trị vật chất, vì vật chất có khi công trình nào giỏi lắm được 100 năm, có công trình lâu hơn . Thế nhưng, khi bị chán thì nó sẽ bị thay đi. Còn nếu có giá trị về tinh thần thì nó sẽ được giữ gìn lâu hơn. Toàn bộ giá trị đó là cơ sở bảo tồn, giữ lại trong lòng đô thị.
Phải nhìn nhận giá trị của di sản một cách đúng đắn
Trước sự việc Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TPHCM vừa gửi một lá thư cho UBND TPHCM và Bộ VHTTDL đề xuất một số giải pháp nhằm giúp bảo tồn một phần Thương xá Tax để xây dựng thành một trung tâm thương mại cao 40 tầng, ông Hanh cho rằng đây cũng là một ý kiến nên xem xét, quy chiếu những hệ giá trị đó thì đúng.
Trong xã hội hiện nay, không chỉ có quản lý nhà nước mà quản trị rất coi trọng sự tham gia của cộng đồng dân cư. Để thực hiện quản lý đô thị nên có hội đồng chuyên môn, và có đưa ra trên cơ sở phán xét, lấy những ý kiến của dân, có quyết định chính thức trên cơ sở kiến nghị của Phần Lan. Bởi khi đã nêu ra là họ đã có suy nghĩ, có cân nhắc.
Di sản phải để lại dấu ấn lịch sử, có công trình mấy trăm năm cũng không cần giữ lại vì nó hình thành một cách ngẫu nhiên. Rõ ràng, "cái tuổi" chỉ là một tiêu chí, phải gắn với các tiêu chí sau thì "cái tuổi" mới có giá trị.
Chẳng hạn, một cây dại sống rất lâu, nhưng số tuổi của nó chưa chắc đã là một tiêu chí. Tuổi rất quan trọng nhưng phải là biểu trưng, biểu đại của một thời kỳ. Thương xá Tax cũng vậy, nó không những có ý nghĩa, mà nó gây dấu ấn trong lòng người dân, mất đi thì luyến tiếc.
Chuyện bảo tồn Thương xá Tax cũng như chuyện bảo tồn cầu Long Biên. Nhiều khi mình có thể xây một cây cầu hiện đại hơn, tốt hơn, nhưng giá trị tinh thần của cầu Long Biên quá lớn. Nó đã đi vào ký ức mỗi người dân, người làm văn thơ, kiến trúc, nhà nghệ sĩ. Thế nên, bảo tồn là bảo tồn phần hồn, còn phần chất lâu ngày cũng suy thoái. Mặc dù, phần chất có thể được cải thiện, có thể phục chế.
Thậm chí, có khi mất nhiều tỷ đồng bảo tồn một công trình nhưng không đem lại ý nghĩa gì. Vậy nên, khi bảo tồn di sản nào đó nên xem xét một cách thận trọng theo đúng hệ tiêu dùng, hệ giá trị có sự nhận định đúng đắn của nhiều đối tượng trong và ngoài nước, đặc biệt sự tham gia của dân cư cộng đồng, từ đó mới rút ra được kết luận.
Trước đó, nói về việc bảo tồn Thương xá Tax, KTS.Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nhìn nhận: "Đây là một trong những công trình ghi lại dấu ấn của thời kỳ phát triển của Sài Gòn và bài học từ Hà Nội chúng ta đã thấy, trong quá trình phát triển luôn luôn phải nhìn nhận, tìm ra công trình, có tính chất di sản để bảo tồn.
Không phải chỉ là công trình không mà chúng ta phải biết tìm cách phát huy giá trị, khai thác sử dụng mục tiêu phù hợp với chất lượng cuộc sống mới. Đây là vấn đề không phải chỉ riêng Việt Nam mà thế giới cũng đã xem xét vấn đề này".
Cùng quan điểm, KTS.Ngô Doãn Đức - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng bày tỏ với Đất Việt: "Đây là một di tích lịch sử gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn, nên đừng phá bỏ. Tại sao lại cứ theo đuổi giá trị kinh tế, trong khi đất đai thì rộng chỉ cần di chuyển cách xa một tí là không ảnh hưởng".
Nếu TPHCM phá bỏ thì ông Đức cho rằng, họ đang tự mình loại bỏ trí nhớ đô thị, ký ức đô thị, văn hóa phi vật thể, mà vật thể là các công trình có nhà cửa, chỉ lạ, đó là ký ức sao cứ chối bỏ nó. Trong khi, đây được coi là một công trình tạo nên Hòn ngọc Viễn Đông, đáng lẽ ai cũng phải tự hào về lịch sử thành phố mấy trăm năm.
Trong khi đó, KTS.Nguyễn Văn Tất lại khẳng định: "Sắp tới tôi sẽ có ý kiến cụ thể tại một Hội thảo về vấn đề này".
Bên cạnh đó, ông cho rằng, phải đưa ra phương án bảo tồn cụ thể như thế nào, phương án xây dựng khu trung tâm thương mại cụ thể như thế nào thì mới có thể đưa ra những ý kiến cụ thể.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: