Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam. |
Nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn sẽ được khắc phục, sửa đổi trong Luật Nhà ở (Sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS). Phóng viên có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam để làm rõ vấn đề này.
Xin Thứ trưởng cho biết, vai trò của thị trường BĐS trong những năm qua đã được thể hiện như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Thị trường BĐS là một trong những thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, có quan hệ trực tiếp với các thị trường tài chính tiền tệ, thị trường xây dựng, thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động... Phát triển ổn định, lành mạnh, có hiệu quả thị trường BĐS sẽ tạo ra một khối lượng lớn cơ sở vật chất cho xã hội, giúp cho các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển và nâng cao điều kiện sống cho các tầng lớp nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và quá trình xây dựng, phát triển đô thị và nông thôn bền vững.
Vậy sau 10 năm triển khai, Luật Nhà ở 2005 và Luật Kinh doanh BĐS 2006 đã tác động như thế nào đến thị trường BĐS?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Có thể nói trong thời gian gần 10 năm qua, Luật Nhà ở 2005 và Luật Kinh doanh BĐS 2006 cùng với các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Bộ luật Dân sự… đã tạo ra một hệ thống cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ để giúp cho thị trường BĐS phát triển, từng bước hội nhập với thông lệ quốc tế.
Thị trường BĐS cũng đã thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước, thúc đẩy nhiều ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác cùng phát triển như ngành xây dựng, công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội ngoại thất công trình, đồ gia dụng. Vấn đề nhà ở của nhân dân đã được cải thiện đáng kể, trong đó có các đối tượng chính sách xã hội như người có công với cách mạng, người nghèo, người thu nhập thấp, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, công nhân khu công nghiệp, người dân vùng ngập lũ ... Thu ngân sách từ hoạt động kinh doanh BĐS ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng GDP của quốc gia và phát triển kinh tế đất nước.
Nhưng rõ ràng thị trường BĐS cũng có không ít bất cập, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Đúng là như vậy. Thị trường BĐS trong thời gian qua cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, cũng như trong công tác quản lý nhà nước như phát triển thiếu ổn định, chưa lành mạnh. Nhà nước chưa kiểm soát, điều tiết được cung - cầu của thị trường, dẫn đến thị trường BĐS thời gian qua phát triển lúc nóng, lúc lạnh, tình trạng đầu tư tự phát, theo “phong trào”, theo “đám đông” diễn ra phổ biến. Nhiều dự án BĐS chậm tiến độ, thi công cầm chừng, không triển khai, để đất hoang hóa, gây lãng phí, ảnh hưởng môi trường, làm mất mỹ quan đô thị...
Những bất cập này đã được khắc phục như thế nào trong Luật Nhà ở (Sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (Sửa đổi), thưa Thứ trưởng?
Thứ Trưởng Nguyễn Trần Nam: Để tạo điều kiện cho thị trường BĐS, nhà ở phát triển lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội Luật Nhà ở (Sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (Sửa đổi), và được thông qua với tỷ lệ các đại biểu Quốc hội tán thành cao. Có thể nói nhiều nội dung thay đổi mang tính đột phá đã được đưa vào trong 2 văn bản luật này.
Đáng chú ý trong đó, việc đầu tư xây dựng các dự án BĐS, nhà ở phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch và phải theo kế hoạch thực hiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, theo phong trào, không sát nhu cầu thực tế dẫn đến mất cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa BĐS, nhất là đối với phân khúc nhà ở như những năm vừa qua, nhằm bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả. Những dự án BĐS không có trong kế hoạch thì không được triển khai thực hiện.
Phát triển nhà ở, thị trường BĐS phải bảo đảm quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó con người là trung tâm. Trong Luật Nhà ở sửa đổi đã phân định rõ 2 loại nhà ở, nhà ở thương mại để phục vụ các đối tượng có khả năng thanh toán theo cơ chế thị trường, do thị trường điều tiết và nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước để phục vụ các đối tượng có khó khăn về nhà ở nhưng không có khả năng mua, thuê nhà ở theo có chế thị trường.
Bên cạnh đó, Luật cũng mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh BĐS cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài. Và để tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài làm ăn, sinh sống tại Việt Nam, Luật Nhà ở sửa đổi còn nới lỏng điều kiện và mở rộng đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai. Quy định chặt chẽ hơn điều kiện hành nghề môi giới nhà đất; quy định việc mua bán nhà hình thành trong tương lai… nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tác động của Luật Nhà ở (Sửa đổi) và Luật Kinh doanh BĐS (Sửa đổi) lên thị trường BĐS thời gian tới?
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: Trong những năm tới, với tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, cùng với việc các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Luật Nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua sẽ có tác động rất tích cực đến thị trường BĐS nói chung và phân khúc nhà ở nói riêng.
Tôi cho rằng với những tác động của hai Luật này thì thị trường BĐS những năm tới sẽ tiếp tục tăng trưởng, lượng giao dịch ổn định, giá cả biến động không nhiều, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm, nhiều dự án trước kia tạm dừng sẽ khởi động trở lại, các dự án BĐS sẽ được các chủ đầu tư triển khai tích cự hơn, quyền lợi của người mua sẽ được bảo đảm hơn, các giao dịch trên thị trường sẽ được công khai, minh bạch hơn, các tranh chấp, khiếu kiện giữa khách hàng với chủ đầu tư dự án sẽ được giảm thiểu.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
DiaOcOnline.vn - Theo Petrotimes
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: