Top

Thu hút vốn FDI của TPHCM: Tiếp tục cạnh tranh về tốc độ và thủ tục

Cập nhật 28/06/2009 10:40

Sáng 27-6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, Chủ tịch HĐNDTP Phạm Phương Thảo cùng nhiều lãnh đạo TPHCM các thời kỳ đã đến dự Hội nghị tổng kết 20 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại TPHCM. Với vai trò là “đầu tàu” của cả nước trong công tác thu hút FDI, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải “đặt hàng” với TPHCM là “tập trung thực hiện các giải pháp để cạnh tranh với các nước bạn về tốc độ và thời gian, thủ tục thực hiện dự án”.

“Đầu tàu” của cả nước


Tính đến nay, sau 20 năm thu hút FDI, trên địa bàn TP có 3.128 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 25,6 tỷ USD. Đây là con số dẫn đầu so với các tỉnh thành trong cả nước. Nguồn vốn được đánh giá là đầu tư có hiệu quả, đi đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.

Theo báo cáo, khu vực dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số vốn đăng ký đầu tư. Cụ thể là ngành dịch vụ kinh doanh bất động sản có 792 dự án (chiếm 25%) với tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ USD (chiếm 27,81%) và các ngành dịch vụ khác là 952 dự án (chiếm 30%) với tổng vốn đầu tư 11 tỷ USD (chiếm 43,01%). “Những năm gần đây, xu hướng đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, công nghệ cao và quy mô đầu tư ngày càng lớn”- Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trung Tín cho biết.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Thái Văn Rê nói, việc thu hút FDI đã góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng của TP. Cụ thể là TP đã tiếp thu những công nghệ kỹ thuật hiện đại, giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu… Từ việc phát triển Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận đã mở thêm đại lộ Nguyễn Văn Linh phát triển TP về phía Nam và ra biển Đông. Các dự án này đã biến đổi trên 3.500 ha từ đất nông nghiệp hoang hóa, nhiễm mặn, nhiễm phèn, năng suất thấp thành đất công nghiệp có đủ điện, nước, đường giao thông, các cơ sở dịch vụ, các công trình bảo vệ môi trường… góp phần rất lớn trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP.

Dự án Kumho Asiana Plaza (Hàn Quốc) sắp đưa vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển thương mại dịch vụ của TPHCM. Ảnh: Cao Thăng


Đẩy nhanh tốc độ, rút ngắn khoảng cách

Trong số hơn 25,6 tỷ USD vốn đăng ký thì đến nay chỉ mới giải ngân, thực hiện được khoảng 10 tỷ USD, đạt khoảng 39% so với tổng vốn. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, con số giải ngân thấp, có khoảng cách quá xa với vốn đăng ký. Do vậy, hội nghị phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao để xử lý, tìm cách đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án.

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, phải chăng thủ tục hành chính rườm rà, dự án bị chia thành nhiều phân khúc, mỗi phân khúc tốn thời gian đến vài năm. Chẳng hạn như thủ tục xin đất tốn vài năm, đấu thầu mất thêm vài năm nữa, làm hồ sơ dự án mất vài năm và thi công mất thêm vài năm… Nếu như vậy thì tính đồng bộ có vấn đề, phải xem xét lại, đừng để dự án phải qua quá nhiều ngành, tốn quá nhiều thời gian. Chúng ta phải đẩy mạnh cải cách hành chính, phải cạnh tranh với các nước về tốc độ thủ tục, tốc độ thời gian thực hiện dự án...

Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) cho biết, thời gian tới sẽ khắc phục điểm yếu trong cải cách hành chính, giải tỏa, bàn giao mặt bằng, cấp phép… Trước mắt, cục sẽ cùng TP phối hợp chọn điểm khoảng 50 dự án đầu tư để tìm hiểu vì sao giải ngân chậm để cùng tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút FDI trong thời gian tới, UBND TP xác định tập trung thu hút vào các ngành có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Để thực hiện điều đó, TP sẽ nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch về đất đai, thống kê quỹ đất trống trên địa bàn thành phố với thông số cụ thể về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ tiêu về quy hoạch, hình thức đầu tư để công bố rộng rãi phục vụ cho các nhà đầu tư; giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư…

Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định, thời gian tới, TP sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, hạn chế các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường, các ngành thâm dụng lao động. Trước hết là tập trung đầu tư có hiệu quả vào các dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm thành khu Trung tâm Thương mại tài chính, khu đô thị Tây Bắc TP, khu du lịch sinh thái Cần Giờ, khu Thanh Đa, cảng Hiệp Phước và các tuyến đường metro…

Tổng kết 20 năm thu hút FDI, UBND TPHCM, Sở Kế hoạch-Đầu tư và Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (Hepza) vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP (ITPC) được đón nhận Huân chương Lao động hạng nhì. Có 10 doanh nghiệp nước ngoài được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều đơn vị sở ngành, doanh nghiệp nước ngoài được nhận bằng khen của UBND TPHCM.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng