Mô hình chia sẻ chỗ ở được dự báo là sẽ tăng trưởng mạnh trong 2018, cho thấy xu hướng lên ngôi của loại hình cho thuê căn hộ lưu trú ngắn hạn.
Vũ Huy (29 tuổi, TP.HCM), một bạn trẻ thường xuyên sử dụng các dịch vụ chia sẻ chỗ ở cho biết, trung bình một căn homestay đủ cho 10 người giá thuê 1 ngày đêm là từ 3-5 triệu đồng. Mức giá này khá cạnh tranh so với các khách sạn, dịch vụ lưu trú truyền thống.
Xuất hiện tại Việt Nam khoảng 20 năm trở lại đây, ban đầu homestay hướng đến phục vụ đối tượng chủ yếu là du khách nước ngoài, với ưu điểm được ăn, ngủ, sinh hoạt như người bản địa. Sau này, mô hình homestay chuyển biến thành dịch vụ chia sẻ chỗ ở - ngày càng phát triển và được ưa chuộng bởi nhu cầu trải nghiệm ngày càng lớn, không chỉ du khách nước ngoài mà chính người Việt cũng tò mò về loại hình này.
Nở rộ dịch vụ cho thuê trên ứng dụng
Ông Tào Văn Nghệ, một chuyên gia trong ngành khách sạn, cho hay, dịch vụ chia sẻ phòng hiện phát triển rất nhanh và khó có thể kìm hãm được, khiến khách sạn từ 1-3 sao đang bị ảnh hưởng.
Tính riêng tại TP.HCM năm 2016 có khoảng 6.200 chỗ ở dạng homestay, căn hộ lưu trú - theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường AirDNA - đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và phân tích cho thuê kỳ nghỉ ngắn hạn hàng đầu thế giới.
Năm 2017, con số này tăng vọt lên hơn 15.000 chỗ ở. Tới giữa năm 2018, số lượng homestay ở mức trên 20.000, và hơn một nửa trong số này có hoạt động thực sự.
Tương tự như vậy, tại Hà Nội, số lượng chỗ ở cũng gia tăng từ xấp xỉ 3.200 chỗ ở năm 2016 lên hơn 8.100 năm 2017 và tới hơn 11.200 trong nửa đầu năm 2018, trong đó có trên 6.400 chỗ ở có hoạt động thực sự.
Ông Nguyễn Văn Dũng, CEO Luxstay, tiết lộ, mỗi tháng công ty tiếp nhận hàng nghìn đơn đăng kí tham gia hệ thống của các chủ nhà. Nguồn cung lớn, nhu cầu du lịch trải nghiệm ngày một tăng cao khiến số lượng đặt phòng tăng trưởng đều đặn 20%. Tháng cao điểm, công ty phục vụ tới 15.000 lượt đặt phòng và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào dịp cuối năm.
Người dùng ngày càng có thói quen đặt qua mạng
Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam có nguồn cung khổng lồ từ thị trường bất động sản. Hàng trăm nghìn đơn vị (căn hộ, kỳ nghỉ, biệt thự, condotel) có sẵn cho thuê và đang phát triển nhanh chóng trong vài năm tới. Đó là một điều kiện thuận lợi cho ngành dịch vụ homestay - chia sẻ chỗ ở bùng nổ tại Việt Nam.
Ngoài ra, người Việt Nam tích luỹ đầu tư vào bất động sản và quyền sở hữu nhà, bên cạnh hình thức truyền thống cho thuê dài hạn thì cho thuê ngắn hạn, trung hạn đang trở thành một xu hướng. Điều này sẽ tạo ra thu nhập thụ động tốt và hiệu quả hơn.
Ngoài Luxstay, Airbnb - ứng dụng cho thuê homestay toàn cầu cũng góp mặt vào sân chơi này. Khoảng 2 năm trước, Airbnb có chừng vài ngàn phòng thuê, tập trung tại những thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Mặc dù nguồn cung dồi dào, nhưng để kinh doanh hiệu quả không phải chuyện đơn giản. CEO Luxstay cho rằng, chủ đầu tư cần đưa ra chiến dịch thu hút khách hàng, thông qua việc kết hợp cùng các nền tảng uy tín, am hiểu khách hàng bản địa, có khả năng mang lại quyền lợi và hạn chế tối đa rủi ro.
Chính vì vậy, ngoài hoạt động cho thuê homestay, đơn vị này đang lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp trong ngành để mở ra một hệ sinh thái hỗ trợ các chủ nhà.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: