Thiếu vốn, thị trường bất động sản gặp khó khiến nhiều chủ đầu tư TPHCM lựa chọn phương án bán dự án để thu tiền về, trong khi đó tại miền Bắc, doanh nghiệp lại đua nhau khởi công, động thổ dự án.
Do thua lỗ hoặc kém hiệu quả, nhiều chủ đầu tư tại TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây phải bán tháo các dự án bất động sản (BĐS) để cắt lỗ và dồn sức cho dự án khác, thậm chí chuyển hướng kinh doanh.
Mới đây nhất là Quỹ đầu tư JSM đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng dự án Peninsula rộng hơn 7.400m2 (Q.2, TP.HCM) gồm hai block với 197 căn hộ cao cấp thương mại và cho thuê, với giá khoảng 228 tỉ đồng (khoảng 11 triệu USD) cho Công ty CP Sao Sáng Saigon.
Công ty CP đầu tư địa ốc Khang An cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng 80% vốn góp dự án khu dân cư tại phường Tân Tạo A (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho đối tác Dacin Holdings. Thương vụ này đã đem về cho Khang An hơn 300 tỉ đồng.
Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) đã quyết định không tiếp tục đầu tư dự án cao ốc văn phòng tại đô thị mới Phú Mỹ Hưng có diện tích sàn 44.500 m2 để làm trụ sở công ty và cho thuê. Công ty này đã bán lại dự án với giá trị hợp đồng xấp xỉ 12 triệu USD.
Trước đó, công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) mới đây cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc bán dự án cao ốc văn phòng cho thuê tại 143-145 Điện Biên Phủ (Bình Thạnh) với giá chuyển nhượng 40 tỷ đồng. SFC nhìn nhận trong tình hình văn phòng cho thuê ế ẩm, giá lại khá thấp nên nếu tiếp tục triển khai xây dựng chắc chắn hiệu quả sẽ không cao, và đó là lý do khiến SFC phải bán dự án để bổ sung nguồn vốn cho các dự án khác có hiệu quả cao hơn. …
Tại đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo Công ty CP xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC) đã thông báo về quyết định không tiếp tục đầu tư dự án cao ốc văn phòng tại đô thị mới Phú Mỹ Hưng có diện tích sàn 44.500 m2 để làm trụ sở công ty và cho thuê. Cty này đã bán lại dự án với giá trị hợp đồng xấp xỉ 12 triệu USD. Lý do, nếu triển khai dự án trên, công ty phải chuẩn bị nguồn vốn lớn trên 20 triệu USD, trong khi công ty hiện chưa thể phát hành cổ phiếu thêm để huy động vốn.
Trong khi doanh nghiệp miền Nam đẩy mạnh việc chào bán dự án thì tại miền Bắc, mặc dù tình hình cũng rất khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp tiếp tục gồng mình triển khai dự án.
Theo thống kê, chỉ trong vòng tháng qua đã có gần 20 dự án khởi công trong đó dự án Khởi công tòa nhà hỗn hợp Skyview quận Cầu Giấy. Tòa nhà được xây dựng trên diện tích 3.203m2 với 21 tầng nổi, 3 tầng hầm, bao gồm 6 tầng Trung tâm thương mại, văn phòng, 14 tầng căn hộ cao cấp, và tầng penthouse.
Hay như dự án Hòa Bình Green City, chủ đầu tư Công ty TNHH Hòa Bình và Công ty CP Nông sản Argrexim đã chính thức công bố mở bán. Hòa Bình Green City là tổ hợp căn hộ và trung tâm thương mại tọa lạc tại số 505 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, với tòa tháp cao 27 tầng, được xây dựng trên diện tích đất 1,7 ha.
Một chủ đầu tư chia sẻ, những khó khăn hiện tại thị trường là rất rõ tuy nhiên tín hiệu đi xuống của thị trường chỉ là tạm thời do cung tiền bị thắt chặt. Việc người mua không mua trong lúc này xuất phát từ tâm lý đám đông thấy thị trường xuống không mua. Trong khi nhìn sâu xa thì nguồn cung cho thị trường đang lâm vào cảnh bế tác do doanh nghiệp không có tiền triển khai dự án. Nguồn cung thời gian tới sẽ giảm mạnh bởi vậy triển khai dự án trong lúc này sẽ giúp doanh nghiệp chuẩn bị sẵn nguồn lực khi thị trường phục hồi.
"Để cùng nhau chia sẻ khó khăn nhiều chủ đầu tư đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu để tối ưu hóa đầu tư dự án. Trong hàng loạt những biện pháp được đề cấp đến, hiện nay lại có nhiều doanh nghiệp đang cân nhắc đến việc thỏa thuận với đối tác của mình để trả sản phẩm cho họ khi hoàn thiện dự án thay vì phải trả bằng tiền mặt đối với các hợp đồng liên quan như nhà thầu, nhà cung cấp, nhà tư vấn" vị này chia sẻ.
Nhìn nhận khía cạnh khác, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Hòa Bình cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nguồn cung căn hộ dư thừa nhưng thừa căn hộ nhưng doanh nghiệp của ông vẫn quyết tâm xây dựng dự án căn hộ để bán tại số 505 Minh Khai. Bởi, theo ông không phải ở đâu cũng thừa, hiện nhu cầu nhà ở tại Hà Nội rất lớn nhưng những sản phẩm đem lại thì không phù hợp với nhu cầu.
" Với tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế như hiện nay các doanh nghiệp làm ăn rất khó khăn. Tuy nhiên, bất động sản quan trọng nhất là vị trí vì vậy có thể ở đâu đó người mua nhà vẫn thấy tình trạng căn hộ ế ẩm nhưng ở địa điểm khác thì lại không như vậy. Những sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, vị trí tiện lợi luôn được người tiêu dùng lựa chọn" ông Đường nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Vnmedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: