Tin vui cho các nhà đầu tư bất động sản có ý định gia nhập thị trường địa ốc vào thời điểm này là Việt Nam còn thiếu hàng chục triệu mét vuông nhà ở các loại và tiềm ẩn giá trị nhiều tỷ USD chưa được khai thác.
Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng như hiện tại, nhiều người bi quan về tương lai thị trường, nhưng theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, dư địa của thị trường bất động sản còn vô cùng lớn và là mảnh đất màu mỡ với giá trị nhiều tỷ USD cho những nhà đầu tư đang có ý định gia nhập thị trường.
TS. Chu Thị Chung Thủy (Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính) cho biết, tỷ trọng bất động sản trong tổng của cải xã hội ở các quốc gia có khác nhau, nhưng thường chiếm trên dưới 40% lượng của cải vật chất ở mỗi nước. Các hoạt động liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 30% tổng hoạt động của nền kinh tế. Như vậy, tổng giá trị vốn chưa được khai thác ẩn chứa trong bất động sản ở những nước đang phát triển như Việt Nam lên tới hàng ngàn tỷ USD.
Báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có trên 2.000 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở đang được triển khai với diện tích đất 70.000 ha. Tổng diện tích nhà ở theo quy hoạch đến năm 2020 là trên 350 triệu m2, trong đó TP. Hà Nội trên 80 triệu m2, TP.HCM khoảng 95 triệu m2.
“Nếu so với tổng thể nhu cầu nhà ở tại khu vực đô thị của cả nước đến năm 2020 như chỉ tiêu mà Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia đề ra, thì tổng diện tích nhà ở trong các dự án đã giao chủ đầu tư không quá lớn, vì từ nay đến năm 2020, mỗi năm cả nước cần phát triển mới 60 triệu m2 nhà ở đô thị và đây vẫn là một thị trường thực sự tiềm năng cho những nhà đầu tư bất động sản, cả cũ và mới”, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết.
Tuy nhiên, báo cáo của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho biết, tại một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, số diện tích nhà ở dự kiến phát triển (các dự án đã giao chủ đầu tư) vượt quá chỉ tiêu phát triển nhà ở của địa phương đến năm 2020. Cụ thể, chỉ tiêu phát triển nhà ở đô thị của Hà Nội đến năm 2020 cần phát triển thêm 60 triệu m2 nhà ở, trong khi diện tích nhà ở đã quy hoạch (giao chủ đầu tư) lại lên tới 85 triệu m2. Điều này cũng có nghĩa rằng, trên lý thuyết, từ nay đến năm 2020, thị trường bất động sản tại Hà Nội và TP.HCM đã bão hoà. “Nhưng số lượng 60 triệu m2 nhà ở cần được xây mới ở các địa phương khác ngoài Hà Nội và TP.HCM vẫn là một thị trường vô cùng tiềm năng”, đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhận định.
Một tin vui khác cho các nhà đầu tư bất động sản là sự ý thức rõ ràng của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng chính sách, cũng như tác động của các chính sách quản lý nhà nước đối với sự phát triển của thị trường bất động sản vào thời điểm hiện tại. Bàn thảo và góp ý cho việc điều chỉnh chính sách liên quan đến thị trường bất động sản mới đây, nhiều nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong nước cùng thống nhất ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản suy giảm như hiện tại có nguyên nhân chính từ chính sách quản lý. Chính phủ đã nhìn thấy điều này và đang có sự điều chỉnh thích hợp, để thị trường có thể phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng, việc thị trường bất động sản điều chỉnh theo hướng suy giảm, doanh nghiệp phải tái cấu trúc hoạt động cũng là một phần trong quá trình vận động, phát triển.
Theo TS. Trần Kim Chung (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), việc rà soát, hệ thống hoá các văn bản pháp lý đang trong quá trình tiến hành lấy ý kiến các chuyên gia. Nội dung các ý kiến không được tiết lộ cụ thể, nhưng theo ông Chung, các hoạt động đang được tiến hành rốt ráo, làm cơ sở để Nhà nước có những điều chỉnh giúp thị trường bất động sản phát triển trở lại trong thời gian sớm nhất.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: