Top

'Thiên đường' hốt bạc An Khánh: 1 cú sụt hố, 10 năm chưa ngóc đầu

Cập nhật 28/11/2018 08:48

Thủ phủ của thị trường bất động sản phía Tây, Hoài Đức, từng là một điểm nóng ở Hà Nội. Cơn sốt đất đi qua đã lâu nhưng còn đó khá nhiều hệ lụy mà người mua nhà chịu hậu quả nặng nề nhất.

Bùng lên rồi đóng băng

Dọc đại lộ Thăng Long, tuyến đường huyết mạch kết nối trung tâm Hà Nội tới Hoài Đức, hàng loạt dự án từng treo biển quảng cáo rầm rộ nay khá yên ắng. Cỏ mọc um tùm, những dãy nhà bỏ hoang, dự án chậm tiến độ là tình trạng chung của khu vực này.

Hầu hết dự án khu đô thị trên địa bàn huyện Hoài Đức cơ bản đã được chính quyền địa phương thực hiện xong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho chủ đầu tư từ những năm 2005-2008.

Loạt biệt thự tiền tỷ bỏ hoang (Ảnh: Tuấn Linh)

Cơn sốt “bong bóng” bất động sản năm 2007, hàng loạt doanh nghiệp đổ dồn về huyện Hoài Đức “xí đất” làm dự án. Giới đầu tư từng nhận định, khu vực này sẽ có tốc độ phát triển vượt bậc khi về Hà Nội nhờ được quy hoạch nằm trong phần "lõi" trung tâm mới phía Tây; có lợi thế về hạ tầng giao thông, kết nối với các trục giao thông hướng tâm lớn nhất như Quốc lộ 32, Đại lộ Thăng Long,...

Tuy nhiên, thực tế đến nay, hàng loạt dự án khu đầu tư của những “ông lớn” vẫn dang dở, hoang tàn. Thậm chí, nhiều dự án, khu đầu tư mới ở khu vực này được xem dự án "ma" vì bỏ hoang lâu năm không ai về ở.

Điển hình khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) với quy mô 288,8ha có tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng, do Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư.

Bất động sản dọc hai bên Đại lộ Thăng Long từng được coi là nơi “hốt bạc” của giới đầu tư. Giai đoạn năm 2004-2005, dự án này từng được ví là 'thiên đường cuộc sống', các sản phẩm biệt thự, liền kề tại đây làm mưa làm gió trên thị trường với giá chào bán có khi lên tới 50-60 triệu đồng/m2 chưa kể 'tiền chênh lệch'.

Dự án khu đô thị Vân Canh do Tập đoàn Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư, có tổng diện tích trên 68,5 ha, quy mô dân số 13.190 người với đầy đủ các hạng mục của một khu đô thị hoàn chỉnh bao gồm: Khu biệt thự, nhà liền phố, tổ hợp Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và các căn hộ chung cư được thiết kế một cách hài hòa với không gian kiến trúc hiện đại...

Hàng nghìn tỷ đóng băng theo BĐS (Ảnh: Tuấn Linh)

Dự án đình đám khác là Kim Chung - Di Trạch diện tích trên 140 ha, quy mô dân số 23.000 người do Tổng Công ty CP Thương mại và xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư, với giá bán liền kề lên đến 50-60 triệu đồng/m2 năm 2006-2007 khi nó chưa về Hà Nội.

Dang dở chậm tiến độ

Trên thực tế, các dự án này "án binh bất động" cả chục năm nay, có thể miêu tả bằng hai từ "hoang tàn". Các dự án bỏ hoang, không ai ở như những tòa nhà ma. Chủ đầu tư thì bị chôn tiền vốn, người mua cũng đã đóng không ít tiền mà nhà chẳng được nhận về ở.

Điển hình, dự án Nam An Khánh của Sudico được triển khai từ lâu nhưng nhiều hạng mục quá chậm tiến độ. Hậu quả để lại là dự án bỏ hoang hay không thể ở được vì thiếu cơ sở hạ tầng.

Chủ đầu tư Sudico đã ký phụ lục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho TCD với giá trị chuyển nhượng tăng thêm gần 900 tỷ đồng, tổng giá trị hợp đồng là 2.100 tỷ đồng. Sudico cũng đã chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất HH2D với giá trị hợp đồng là 263 tỷ đồng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho MB với giá trị hợp đồng 203 tỷ đồng.

Tương tự như vậy khu đô thị Vân Canh, HUD chuyển nhượng gần 4ha đất biệt thự và nhà ở liền kề tại dự án này cho CTCP Tasco (HUT), với tổng giá trị 410 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HUD cũng chuyển nhượng 9.920 m2 đất nền tại khu đô thị mới Vân Canh cho CTCP Bất động sản AZ (AZ Land) để xây dựng 4 tòa tháp cao từ 29-33 tầng, với khoảng 1.200 căn hộ cao cấp trên trục đường chính của dự án.

Những căn biệt thự có giá triệu đô (Ảnh: Tuấn Linh)

Tại dự án Spendora, 50% cổ phần của Công ty xây dựng Posco E&C đã được chuyển nhượng sang Công ty CP Địa ốc Phú Long. Splendora được cấp phép vào năm 2008 với tổng diện tích đất phát triển theo cập nhật mới nhất là 272 ha. Tổng quy mô đầu tư cho dự án khoảng 2,5 tỷ USD với kỳ vọng trở thành một khu đô thị hiện đại chuẩn mực nằm ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Một số dự án đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch để tiếp tục triển khai thực hiện: KĐT An Thịnh; KĐT Sơn Đồng; dự án Hoàng Kim - Vân Canh; KĐT Tây Nam An Khánh; KĐT Dầu khí Đức Giang; KĐT Yên Phú; KĐT Mai Linh,...

Trong khi đó, các dự án hoàn thành một phần đang bở hoang. KĐT Lideco Bắc 32 của Công ty Cổ phần phát triển Đô thị Từ Liêm làm chủ đầu tư nằm tại trung tâm thị trấn Trạm Trôi trên 38 ha, được xem là KĐT hoàn chỉnh nhất khu vực này, sau nhiều năm đưa vào sử dụng đến nay chỉ lác đác vài hộ sinh sống. Những ngôi biệt thự kiểu dáng châu Âu vẫn hoàng tàn, cỏ mọc um tùm.

Tương tự, Kim Chung - Di Trạch, thanh khoản đóng băng khiến hàng trăm tỷ đồng của người dân bị găm chặt vào các lô nhà liền kề bỏ hoang nằm chơ vơ giữa cánh đồng bạt ngàn cỏ dại.

Khu biệt thự Vườn Cam, chủ đầu tư đã thi công được một số hạng mục của dự án. Tuy nhiên, nhiều năm qua nơi đây không có bóng người qua lại, cỏ mọc vượt qua cả những hàng rào chắn xung quanh dự án.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet