Theo nhận định của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, sau một thời gian phát triển với nhịp độ cao, thị trường bất động sản đã bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định, khiến nhiều người dân càng khó khăn khi mua nhà.
Theo nhận định của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, tình trạng phát triển đô thị và các khu nhà ở thiếu căn cứ vào nhu cầu của thị trường, chưa có quy hoạch, kế hoạch, tự phát, chậm tiến độ còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, dẫn đến các đô thị phát triển không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng, lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Theo nhìn nhận của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, chỉ tính riêng tại Thành phố Hà Nội khi rà soát để lập Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, số lượng các đồ án, dự án đang triển khai hoặc đang trong giai đoạn quy hoạch là 785 đồ án, dự án với quy mô 59.078 ha; sau khi rà soát, UBND Thành phố Hà Nội đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai (đợt 1) là 240 đồ án, dự án với quy mô 9.502 ha, trong đó có 150 đồ án, dự án đô thị và nhà ở với quy mô 5.125,8 ha. Theo tiêu chuẩn quy hoạch xây dựng hiện hành (khu vực đô thị từ 200 - 250 người/ha) thì chỉ với 150 đồ án, dự án đô thị và nhà ở nói trên đã có thể đáp ứng nơi ở cho khoảng 1- 1,3 triệu người (gần bằng 1/2 dân số đô thị của Hà Nội thại thời điểm tháng 4/2009 là 2,6 triệu người);
Giá nhà quá cao so với thu nhập của người dân
Nhận định của Cục Quản lý nhà cho thấy, cơ cấu hàng hoá bất động sản nhà ở mất cân đối, thị trường thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân.
Tỷ trọng nhà ở chung cư chỉ chiếm 4% tổng số nhà ở đô thị của cả nước, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất nhưng mới đạt tỷ lệ 16,64%, trong khi đó tại Thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ nhà chung cư mới đạt 6,13%, các đô thị khác (loại 1, loại 2 và loại 3) còn có tỷ lệ thấp hơn, thậm chí nhiều thành phố (đô thị loại 2 và loại 3) không có nhà chung cư. Đối với phân khúc thị trường nhà chung cư, thì các doanh nghiệp cũng chú trọng nhiều vào phát triển các căn hộ cao cấp, trong tổng số khoảng 35.000 căn hộ đã hoàn thành trước năm 2011 tại TP Hồ Chí Minh thì 37% là căn hộ cao cấp, 38% căn hộ trung bình và 25% căn hộ bình dân.
Theo Cục Quản lý nhà, trong số 12.000 căn hộ được chào bán trong 6 tháng đầu năm 2011 trên thị trường Hà Nội, có tới 40% là căn hộ cao cấp (giá bán > 30 triệu đ/m2). Đặc biệt, thị trường thiếu loại hình nhà ở cho thuê, tỷ trọng hộ dân đi thuê, mượn, ở nhờ nhà ở tại khu vực đô thị mới đạt 14%, chủ yếu là do dân doanh. Giá cả hàng hóa bất động sản, giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị lớn, tình trạng đầu cơ, kích giá còn phổ biến. Việc huy động nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân lao động tại các khu công nghiệp còn hạn chế, vì vậy quỹ nhà ở xã hội có sự điều tiết của Nhà nước còn thiếu, gây khó khăn cho việc giải quyết nhà ở cho một bộ phận lớn dân cư đô thị.
Bên cạnh đó, hệ thống tài chính bất động sản chưa hoàn thiện, nguồn vốn cho thị trường bất động sản chủ yếu từ hệ thống ngân hàng và huy động của người dân, chưa có nguồn tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong tạo lập nhà ở. Vì vật thị trường bất động sản luôn bị tác động khi có sự thay đổi chính sách tín dụng.
Mặt khác, các chủ thể tham gia thị trường đông về số lượng nhưng còn yếu về năng lực đã ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS. Trong những năm vừa qua, do lợi nhuận trong kinh doanh bất động sản cao, đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Nhiều tổng công ty, tập đoàn lớn không chuyên về xây dựng, kinh doanh bất động sản cũng thành lập công ty kinh doanh bất động sản. Nhiều ngân hàng có quỹ hoặc thành lập công ty con để kinh doanh bất động sản nên đã xuất hiện hiện tượng đầu tư nội bộ của các tập đoàn, của ngân hàng rất khó kiểm soát. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân không đủ khả năng tài chính, thiếu kinh nghiệm cũng tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản nên đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, đầu tư theo phong trào. Các sàn giao dịch bất động sản tuy phát triển mạnh về số lượng nhưng chất lượng dịch vụ còn thấp, đội ngũ các nhà môi giới, tư vấn, định giá bất động sản còn thiếu tính chuyên nghiệp.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: