TS Trần Du Lịch so sánh như vậy và cho rằng, vì thế mà BĐS tồn kho nhiều do đa số người dân không thể mua được "vé hạng nhất".
Tại phiên báo cáo giải trình trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội sáng 24/1 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, các giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra nhằm gỡ khó cho thị trường BĐS mới chỉ là phần ngọn của vấn đề, mới chỉ tập trung vào giải phóng tồn kho, chưa có giải pháp cụ thể cho thị trường BĐS tương lai.
Tồn kho BĐS thực tế còn lớn hơn báo cáo
Đánh giá về những giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra, Đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm cho rằng, giải quyết vấn đề của thị trường BĐS hiện nay phải gồm 2 vấn đề: Giải phóng tồn kho và đưa ra hướng phát triển tiếp cho thị trường BĐS. Về giải quyết tồn kho, Bộ Xây dựng đã đưa ra khá đầy đủ. Tuy nhiên, ông Kiêm băn khoăn 3 vấn đề: Số liệu về tồn kho BĐS mà Bộ Xây dựng đưa ra đã đủ tin cậy chưa? Các giải pháp đưa ra đã đủ để làm tan dần “cục máu đông” này chưa? Cách điều hành, giải quyết có gì mới?
Về băn khoăn này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Để gỡ khó cho thị trường BĐS phải có những giải pháp mạnh. Nếu các nước phát triển có nhiều tiền, họ sẽ có nguồn lực của nhà nước để mua lại nợ xấu, nên họ giải quyết dễ dàng hơn Việt Nam. Trong khi đó, nước ta còn nghèo, nguồn tích lũy của quốc gia còn thấp, cho nên phải có những giải pháp phù hợp với chúng ta”.
Theo Bộ Xây dựng, báo cáo của 50 địa phương, tồn kho bất động sản như sau:
- Nhà ở: tồn kho 42.230 căn nhà (gồm 26.444 căn hộ và 15.786 căn nhà thấp tầng);
- Văn phòng cho thuê: tồn kho 92.800 m2 sàn;
- Trung tâm thương mại: tồn kho 98.407 m2 sàn;
- Đất nền nhà ở: tồn kho 7.922.485 m2 (792,2 ha);
- Đất thương mại khác: tồn kho 1.951.033 m2 (195,1 ha);
- Ước tính giá trị tổng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng.
Riêng TP HCM, theo báo cáo của 121 dự án đã tồn kho 14.816 căn nhà, 58.748 m2 mặt bằng thương mại, 300.071 m2 đất nền, giá trị tồn kho ước tính 30.242 tỷ đồng. Hà Nội theo báo cáo của 13 chủ đầu tư đã tồn kho 5.875 căn nhà, 5.459 m2 mặt bằng thương mại, văn phòng; giá trị tồn kho 14.070 tỷ đồng. |
|
Đặc biệt, Bộ trưởng Dũng khẳng định: Những giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra căn cứ theo những số liệu về tồn kho BĐS. Số liệu trong báo cáo mới chỉ nói được một phần tồn kho, còn tồn kho đã có giao dịch nhưng còn đang dở dang, chủ yếu là khách hàng và chủ đầu tư có quan hệ thông qua hợp đồng thì tồn kho còn rất lớn, nhưng chưa được báo cáo, chưa được xem xét kỹ.
Tuy nhiên, “các số liệu mà Bộ Xây dựng đưa ra đủ cơ sở để đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra ở mức độ phù hợp điều kiện nền kinh tế Việt Nam, nhưng chưa đủ mạnh. Chúng tôi muốn phải mạnh hơn nữa. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, chúng ta phải thông cảm”- Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Còn về điểm mới trong các giải pháp, theo Bộ trưởng Dũng, là gắn việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với việc phát triển nhà ở xã hội. Việc này không chỉ trước mắt giải quyết được hàng tồn kho, tiêu thụ được sản phẩm vật liệu xây dựng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, một bộ phận người nghèo được cải thiện về nhà ở. Do đó, nó sẽ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Thực hiện được các việc này đồng thời sẽ góp phần giải quyết cho thị trường BĐS phát triển lâu dài, bền vững.
Bởi vì, theo Bộ trưởng Dũng, nhà ở cho người giàu làm rất dễ, nhưng nhà ở cho người nghèo làm rất khó. Làm nhà cho người nghèo giá phải rẻ, quy mô phải nhỏ, nên lãi ít, các doanh nghiệp không mặn mà làm loại nhà này. Cho nên, phải xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia làm nhà ở cho người nghèo.
“Tháo gỡ khó khăn cho BĐS là cần thiết, nhưng rất khó. Bộ Xây dựng đang cố gắng để làm việc này, trước mắt là giải phóng hàng tồn kho. Hy vọng, từng bước sẽ tháo gỡ được khó khăn, nhưng không thể yêu cầu ngay được”- Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Gỡ không khéo, càng rối…
Khi đề cập giải pháp gỡ khó thị trường BĐS, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, năm 2013 tập trung vào phân khúc nhà ở, trong đó trọng tâm vào nhà ở xã hội, vì đây là khu vực có nhu cầu nhiều nhất. Nếu tập trung vào đây, với những giải pháp mà Chính phủ đưa ra, đó là một gói kích cầu gián tiếp cho thị trường BĐS để tăng cầu lên. Do đó, sẽ làm ấm thị trường lên, tiêu dùng nhiều hơn, lưu thông được nguồn tiền đọng trong BĐS, góp phần tăng trưởng trở lại của nền kinh tế.
Phát triển nhà ở xã hội là một giải pháp trọng tâm được Bộ Xây dựng đề xuất nhằm gỡ khó thị trường BĐS
|
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho rằng: “Hiện nay, sự không gặp nhau giữa cung – cầu trên thị trường nhà ở do chúng ta phát triển nhà ở giống như chiếc máy bay mà số ghế hạng nhất chiếm đa số còn hạng phổ thông không có thì không thể bán vé được. Hiện nay, ai cũng thấy, nhưng cơ quan quản lý nhà nước dường như không thấy. Vậy thì bây giờ ta phải sửa cái gì ở đây? Nếu không, chúng ta càng can thiệp, coi chừng hỏng việc, nếu không đúng quy luật thị trường”.
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận rằng: Công tác hướng dẫn thực thi luật của chúng ta quá chậm. Ví dụ, Luật Xây dựng ban hành 2003, Luật Kinh doanh Bất động sản ban hành 2006, Luật Quy hoạch đô thị ban hành 2009. Nhưng sau 3,5 năm, bây giờ Chính phủ mới ban hành Nghị định (số 11, ngày 14/1/2013) về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Nếu Nghị định này được ban hành sớm, có lẽ chúng ta không gặp những khó khăn như hiện nay của thị trường BĐS.
Hơn nữa, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết một trong những giải pháp nữa gỡ khó cho thị trường BĐS là Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định về phát triển nhà ở xã hội. Về điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Chủ trương về phát triển nhà ở xã hội đã có cách đây 5 năm, nhưng bây giờ mới sắp có Nghị định về phát triển nhà ở xã hội. Vì thế, thị trường BĐS không đi theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải xây dựng nhà ở xã hội, nên còn phát triển tự phát… và bây giờ lại phải đi xử lý, giải quyết chuyển đổi công năng nhà đã xây.
Đồng thời, với những giải pháp mà Bộ Xây dựng đưa ra, ĐBQH Cao Sỹ Kiêm đánh giá, “mới chỉ tập trung giải quyết tồn kho, tức là mới chỉ đang tập trung giải quyết vào phần ngọn của vấn đề”.
Ngoài ra, ông Kiêm cũng đặt vấn đề cách quản lý như thế nào để chặn được đầu cơ? Bộ trưởng Dũng cho biết: Nếu đầu tư cho BĐS, đặc biệt là tập trung vào phân khúc nhà ở xã hội, thì quản lý đầu cơ dễ hơn vì phải xây dựng được tiêu chí của người mua nhà và các địa phương quản lý chặt chẽ đầu ra của các sản phẩm này. Còn để kiểm soát đầu cơ của các dự án nhà ở thương mại, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt là kiểm soát cả quá trình bán hàng trên các sàn giao dịch và quá trình vay của các nhà đầu cơ đối với việc mua lại nhà để đầu cơ tăng giá, phải kiểm soát chặt chẽ về giá của các dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo VOV
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: