Hiện Tây Đô Tower (thuộc Khu đô thị Tân Tây Đô) đã thi công xong phần thô, giao nhà vào quý I/2014 |
Trước khi những chính sách giải cứu của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… có hiệu lực, thị trường địa ốc đã tự điều chỉnh bằng những phương cách khôn ngoan.
Dự án chung cư Tây Đô Tower của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát vài tuần nay được nhiều người quan tâm bởi slogan: “Chỉ cần 216 triệu đồng để sở hữu chung cư 2 phòng ngủ tại Hà Nội”. Dự án nằm ở mặt tiền đường 32, thuộc Khu đô thị Tân Tây Đô, cách Cầu Giấy khoảng 20 phút chạy xe. Đây là dự án có các căn hộ diện tích 54 - 64 m2, với thiết kế 1 phòng khách, 2 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh. Tiến độ đóng tiền chia làm 5 đợt, với số tiền ban đầu phải nộp là 216 triệu đồng (tương đương 30% giá trị căn hộ). Số tiền còn lại, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) sẽ hỗ trợ trả góp trong vòng 10 năm với lãi suất 12%/năm. Hiện Tây Đô Tower đã thi công xong phần thô, cam kết giao nhà trong quý I/2014.
Những dự án tương tự Tây Đô Tower đã lác đác xuất hiện hơn 1 năm trở lại đây trên thị trường Hà Nội, như CT4 - CT5 - CT6 Xa La (quận Hà Đông), chung cư Đại Thanh (huyện Thanh Trì) của Công ty Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, Dự án Phúc Thịnh Tower (huyện Hoài Đức) của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát…
Với mức giá trung bình thấp hơn 20 - 30% so với các dự án liền kề, ban đầu, những dự án này bị mang tiếng là bán phá giá, nhưng rất nhanh sau đó đã trở thành “dự án cơ sở” buộc nhiều dự án gần kề phải xuống giá nếu muốn cạnh tranh, giành và giữ khách hàng.
Bỏ qua cách PR khôn khéo của chủ đầu tư Dự án chung cư Tây Đô Tower kể trên, những nội dung còn lại là tất cả những gì mà người có nhu cầu về nhà ở tại Hà Nội quan tâm. Đó là, nhà nhỏ, giá rẻ, mua trả góp với lãi suất vừa phải, cam kết chính xác thời hạn giao nhà.
Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp Nhà nước với Đề tài KX. 01/06 - 10 do TS. Đinh Văn Ân, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tiến hành năm 2009, đã chỉ ra bài học từ việc nghiên cứu thị trường bất động sản Trung Quốc. Đó là, điều tiết vĩ mô trong bất động sản thường không mang lại kết quả lạc quan, vấn đề quan trọng của thị trường bất động sản là yếu tố cầu. Giá nhà ở thích hợp là mức giá mà đa phần dân cư có thể trả được. Điều tiết vĩ mô không tốt, sẽ dẫn đến diễn biến không lạnh mạnh, cộng thêm tình hình thế giới tác động dẫn đến thị trường bất động sản dễ chuyển từ tình trạng “sốt nóng” sang “đóng băng”.
TS. Trần Kim Chung, người tham gia từ đầu đến cuối Đề tài KX. 01/06 - 10 chỉ ra rằng: “Trong cơ chế thị trường, lợi ích điều chỉnh hành vi của các nhà đầu tư. Nếu không hoạch định được chiến lược và buông lỏng kiểm soát hoạt động của thị trường bất động sản, thì sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế”. Đề tài KX. 01/06 - 10 cũng là một trong những chương trình nghiên cứu khoa học bài bản, cụ thể nhất về thị trường bất động sản từng được tiến hành tại Việt Nam. Rất tiếc, các bài học từ việc nghiên cứu, tổng kết thị trường bất động sản Việt Nam từ năm 1995 đến nay của đề tài này hầu nhưng không được đề cập trong các giải pháp “giải cứu” thị trường bất động sản được cơ quan chức năng nhắc đến thời gian gần đây.
Trở lại với thực tế diễn biến thị trường bất động sản năm 2012, trong khi thị trường với phần lớn là dự án chung cư cao cấp, biệt thự, liền kề với giá bán “khủng” tiếp tục được đề xuất bơm tiền giải cứu, thì người mua nhà lại chen lấn tại các dự án chung cư có mức giá 500 - 700 triệu đồng/căn với mong muốn tìm cho mình một chỗ ở phù hợp.
Trong khi nhiều chủ đầu tư khẳng định, không thể làm nhà ở thương mại với mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 (chưa có VAT) và nhà ở xã hội dưới mức giá 11 triệu đồng/m2 (chưa VAT), thì vẫn có những chủ đầu tư khác làm nhà chung cư thương mại bán với mức giá 12 - 15 triệu đồng/m2 và được thị trường chấp nhận. Mức giá này không hề rẻ so với thu nhập trung bình của người dân Hà Nội, nhưng ít nhất, nó cũng được thị trường chấp nhận và không cần “giải cứu”.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: