Top

Thị trường BĐS 2018: Động lực phát triển kinh tế

Cập nhật 29/01/2018 14:04

Năm 2018 thị trường bất động sản (BĐS) được dự báo tiếp tục ổn định, nhưng sẽ bước vào một giai đoạn của sự phát triển hưng thịnh, cơ cấu sản phẩm sẽ có sự thay đổi, chất lượng cuộc sống được chú trọng. Do đó, các sản phẩm BĐS tại các quận trung tâm của hai thành phố lớn Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh sẽ có sự dịch chuyển ra ngoại vi.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường BĐS có cơ hội tiếp tục phát triển mạnh do có nhiều nhân tố kinh tế vĩ mô thuận lợi như tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm nay dự kiến tăng 6,5 – 6,7%, lạm phát tăng khoảng 4%, tổng đầu tư phát triển khoảng 33% – 34% GDP.

Bên cạnh đó, việc thu hút dòng vốn FDI và lượng khách du lịch quốc tế cao kỷ lục trong năm 2017 cũng tạo sự kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng dài hạn và nhu cầu về văn phòng, mặt bằng sản xuất, chỗ ở, bất động sản lưu trú cho chuyên gia, người lao động và khách du lịch.

Điểm sáng là ngoại vi

Sản phẩm BĐS có xu hướng dịch chuyển ra ngoại vi thành phố, do các quận mới đang hoàn thiện hạ tầng giao thông. Theo quy luật, ở đâu mở đường thì ở đó hình thành xu hướng phát triển BĐS.

Đơn cử như việc quy hoạch mạng lưới giao thông tuyến đường khu vực Đông Nam Hà Nội được ví như “huyết mạch” đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án BĐS phát triển, mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hấp dẫn cho nhà đầu tư. Điển hình là các dự án như Times City, Gelexia Riverside, New Horizon City, Gamuda Gardens…

Đánh giá về BĐS khu vực phía Đông Nam, ông Nguyễn Ngọc Thịnh, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, cho rằng do trước đây, khu vực này hạ tầng giao thông còn hạn chế, chỉ đến khi hạ tầng giao thông được thực hiện đã kéo theo việc tăng tốc đầu tư hàng loạt dự án đã khiến thị trường khu vực này trở nên sôi động cả về thanh khoản và biến động giá.

Phía Tây Hà Nội là trung tâm hành chính mới, hạ tầng giao thông cơ bản hoàn chỉnh nên đã chiếm phần lớn các dự án cao cấp và tính thanh khoản cao nhất thành phố. Đó là các dự án như Vinhome Thăng Long, Bắc An Khánh, Thăng Long Victory, Gemek Tower, Cityland Luxury Villas…

Hà Nội đang xây dựng dự án vành đai 3,5, tuyến đường sắt trên cao Nhổn – ga Hà Nội sẽ là“sức bật” cho một số dự án thuộc huyện Hoài Đức như Tân Tây Đô, Kim Chung – Di Trạch, Cityland Sơn Đồng…

Tại Tp. Hồ Chí Minh, lĩnh vực BĐS cũng sôi động không kém. Theo quy hoạch, tới đây, các dự án BĐS sẽ dịch chuyển ra ngoài trung tâm. Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng hiện quỹ đất ở khu vực trung tâm không còn nhiều.

Đồng thời, Tp.HCM đã đưa ra chính sách siết chặt cấp phép xây dựng dự án BĐS ở khu trung tâm để đẩy mạnh chương trình giãn dân, nên các doanh nghiệp sẽ dịch chuyển ra vùng ven để phát triển dự án. Điểm sáng của thị trường BĐS Tp. Hồ Chí Minh được một số chuyên gia nhận định năm 2018 sẽ tập trung vào quận Gò Vấp, quận 7.

Việc thu hút dòng vốn FDI và lượng khách du lịch quốc tế cao kỷ lục trong năm 2017 cũng tạo sự kỳ vọng về tiềm năng tăng trưởng dài hạn và nhu cầu về văn phòng, mặt bằng sản xuất, chỗ ở, bất động sản lưu trú cho chuyên gia, người lao động và khách du lịch.

Cơ cấu lại phân khúc

Trước sự tăng trưởng của thị trường BĐS năm 2017, vốn ngoại đổ vào BĐS tăng cao lên tới gần 36 tỷ USD và số vốn doanh nghiệp đổ vào BĐS tăng cao nhất trong các lĩnh vực, một số chuyên gia đã lo ngại bong bóng BĐS sẽ quay trở lại.

Tuy nhiên, phân tích về vấn đề này, bà Vũ Thị Đào, Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng sẽ rất khó có thể xảy ra do có sự điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước.

Bà Đào cũng nhận định thị trường BĐS năm 2018 sẽ phát triển tốt hơn năm 2017 nhờ yếu tố hỗ trợ, trong đó có Nghị định liên quan đến vấn đề quy hoạch, dự án mới và đặc biệt là phân khúc từng thị trường BĐS sẽ hợp lý hơn.

Phân khúc condotel, đất nền phân lô sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng, BĐS nghỉ dưỡng cũng sẽ tăng, xu hướng cam kết lợi nhuận của chủ đầu tư sẽ giảm.

Nói về thị trường văn phòng cho thuê, bà Đào nhấn mạnh các toà nhà hạng A, chất lượng cao sẽ được nhiều khách thuê quan tâm. Nguồn cung trong tương lai còn hạn chế, do vậy, giá của phân khúc này trong thời gian tới sẽ tăng.

Cùng nhận định như bà Đào, đại diện Bộ Xây dựng cũng cho rằng năm 2017, thị trường BĐS mất cân đối giữa các phân khúc thì thời gian tới, cơ cấu của thị trường sẽ được phân chia lại. Thị trường sẽ tập trung vào phân khúc hạng trung, giá rẻ. Còn phân khúc cao cấp sẽ hạn chế hơn.

Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cũng đánh giá về tổng thể, năm 2018 sẽ tiếp tục là một năm thành công cho thị trường BĐS toàn quốc, đặc biệt là ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.

“Với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cởi mở, nhiều thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, xây dựng được cắt giảm và đặc biệt là chính sách phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, thị trường BĐS sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế mới”, ông Chiến nhận định. 

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh